Hoạt động này còn có chương trình giao lưu với người LGBT và người ủng hộ cộng đồng LGBT.
“Khi mình đọc bài viết mà nhà báo gọi người đồng tính bằng cụm từ “bị đồng tính” hay “lệch lạc tâm lý” là mình cảm thấy rất khó chịu. Đồng tính không phải là bệnh và tụi mình không phải là nạn nhân bị ảnh hưởng, lôi kéo. Hãy gọi chúng tôi là người đồng tính” - bạn T. bày tỏ.
Bổ sung thêm, bạn H. nêu ý kiến: “Tại sao khi nói về người dị tính thì lại cho rằng đó là người bình thường còn người đồng tính là người gì?”.
Các bạn trẻ chia sẻ thoải mái trong buổi giao lưu.
Bạn V., một bạn trẻ khác thì nhận thấy một số tờ báo thường nhầm lẫn khi có xu hướng nạn nhân hóa câu chuyện về LGBT là phải đáng thương, quằn quại, bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, giết người, đánh nhau để tạo ra cảm giác họ đáng được đồng cảm. “Chúng tôi dù là người LGBT vẫn sống tích cực. Vì sao nhà báo lại chỉ thích khai thác mảng tối?” - bạn V. nói.
"Chúng tôi cũng là người bình thường".
Anh Huỳnh Minh Thảo, quản lý truyền thông Trung tâm ICS, nhận định: “Theo nghiên cứu trên 1.400 người của ICS vào năm 2008, 44% bài báo viết về người đồng tính gắn với tệ nạn xã hội như giết người, đâm chém, 44% đưa lên câu view, không rõ nguyên nhân kỳ thị hay không; số phần trăm còn lại nói về người đồng tính vô thưởng vô phạt, đưa người đồng tính vào bài viết không có lý do.
Mọi người cũng hình dung rõ ràng hiện nay xã hội đang thay đổi, các bài báo mang tính câu view, câu like cho đến thời điểm hiện tại đã giảm đi đáng kể. Báo chí nhắc đến người đồng tính một cách tích cực hơn.
"Chúng tôi vẫn sống tích cực và lạc quan. Chúng tôi không thuộc thế giới nào khác cả".
Cá nhân tôi nghĩ chúng ta đang vận động và nhà báo đang từ từ thay đổi. Tuy nhiên, nếu để những thông tin không cần thiết vào bài báo sẽ ảnh hưởng đến số lượng người rất lớn, đôi khi nhà báo không ý thức được điều này.
Mọi người hay gọi chúng tôi là người thuộc thế giới thứ ba. Chúng tôi, những người trong cộng đồng LGBT phải cố gắng làm cho mọi người nhìn nhận rằng chúng tôi không thuộc thế giới thứ ba nào cả”.