Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, dòng tiền gặp khó khiến thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ để thoát hàng nhanh.
Cắt lỗ, giảm giá vẫn khó bán
Không khó bắt gặp những dòng rao bán BĐS trên các trang mua bán nhà, đất với nội dung như “chính chủ cần tiền bán gấp, bán cắt lỗ, giảm giá bán rẻ, bán nhanh…”.
Trong vai khách hàng, chúng tôi gọi điện thoại cho một người rao tin chính chủ cần bán gấp căn hộ ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ông Tuấn, người xưng là chủ nhà, cho biết đã giảm đến 300 triệu đồng so với các căn hộ khác cùng chung cư. “Tôi đã đầu tư hoàn thiện nội thất, vốn để cho thuê nhưng dịch kéo dài lâu quá nên phải bán giá đó, coi như lỗ tiền nội thất” - ông Tuấn nói.
Thời điểm này nhà đầu tư có thể mạnh dạn trả giá để được mua sản phẩm bất động sản giá tốt. Ảnh: QUANG HUY
Ông Tuấn cho biết có vài căn hộ để cho thuê nhưng đều phải giảm giá mạnh. Lợi nhuận cho thuê BĐS giảm, kênh đầu tư chứng khoán cũng thâm hụt nên ông buộc phải bán rẻ để có tiền đầu tư lĩnh vực khác.
Cũng đầu tư một căn hộ ở vùng ven nhưng kẹt tiền vì vay ngân hàng, ông Hùng Dũng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) buộc phải rao bán giá rẻ. “Giá bán căn hộ này hiện khoảng 2,1 tỉ đồng nhưng tôi chấp nhận lỗ 100 triệu đồng, chi hoa hồng cao để ra hàng nhanh. Giờ đang giãn cách nên môi giới báo rất ít người hỏi mua” - ông Dũng lo lắng.
Trong khi đó, sau khi lao theo những cơn sốt đất, thị trường hạ nhiệt khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, lo tìm cách thoát hàng. Ông Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết đang rao bán lô đất nông nghiệp gần 1.000 m2 với giá chỉ 1,6 tỉ đồng, dù trước đó ông bỏ ra gần 2 tỉ đồng để mua. Ông mua BĐS này do tin lời môi giới, dự định lướt sóng nhanh để lấy lời. Không ngờ chỉ sau vài tuần giá lại giảm nhanh, cộng thêm dịch COVID-19 bùng phát nên gần như cả khu vực đứng hình từ cuối năm 2020 đến nay. Dù ông đã bán với giá dưới vốn nhưng vẫn có rất ít khách hàng quan tâm.
Người mua có thể mạnh dạn trả giá
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một nhà đầu tư chứ không phải là làn sóng bán tháo. Nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ thời gian này để cơ cấu lại tài sản. Hiện nay người mua nhà có thể mạnh dạn trả giá để mua được giá tốt, giảm khoảng 3%-5% là điều có thể.
“Nếu người bán giảm đến 10%-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Tuy nhiên, cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn” - ông Quang phân tích.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), cho rằng dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập người dân suy giảm. Kéo theo đó, nhu cầu chi tiêu giảm nên giá bán cũng chịu áp lực giảm. Tại một số thị trường, tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Phân khúc đất nền và nhà liền kề đã xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ, giảm giá. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng.
Ngoài nguyên nhân do nhà đầu tư bị áp lực tài chính thì ông Đính chỉ ra một phần do thị trường phát triển không cân đối. Nhà ở bình dân thiếu trầm trọng, trong khi lượng hàng ở phân khúc trung, cao cấp thừa nhiều trong thời gian dài. Giới đầu tư ôm hàng chung cư lâu sẽ dễ mất giá, sốt ruột nên muốn bán để giữ an toàn dòng vốn. “Đây lại là cơ hội cho những người mua nhà để ở thực. Họ có thể trả giá, mua được giá hợp lý” - ông Đính chia sẻ.
Cẩn thận “sập bẫy” chiêu bán cắt lỗ Ông Nguyễn Vũ, nhà đầu tư BĐS nhiều năm kinh nghiệm, cảnh báo nhà đầu tư khi tìm mua các BĐS cắt lỗ, giảm giá thoát hàng mùa dịch cần thận trọng trước những lời rao bán hấp dẫn. Vì theo ông Vũ, có một số thông tin rao bán nhà, đất nói giảm giá, cắt lỗ nhưng chỉ là cắt lời, thậm chí có thể “sập bẫy” mua phải những nhà, đất pháp lý có vấn đề. Do đó, người mua cần khảo sát giá khu vực đó, yêu cầu giấy tờ pháp lý, chỉ nên mua đất nền có sổ. |