Sức mua chậm, mãi lực yếu là tình hình chung của thị trường hiện nay. Trong bối cảnh trên, nhiều nhà kinh doanh vẫn cố gắng xoay xở tìm được đường đi cho riêng mình nhằm thoát ế và chuẩn bị đón đầu mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Đối sách chống ế của doanh nghiệp
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho biết đối sách chống đỡ ế hàng đã được công ty chuẩn bị từ lâu. Theo đó, xác định ở các TP lớn, người dân có xu hướng vào đại siêu thị để mua sắm thay vì các cửa hàng nhỏ nên năm nay công ty đưa ra phương án tinh gọn hệ thống phân phối, tập trung nguồn hàng vào các đại siêu thị, nơi có thể tiếp cận nhiều nhất khách hàng.
“Về nguồn hàng, thay vì sản xuất nhiều mặt hàng như trước đây, chúng tôi chỉ chọn ra 3-5 sản phẩm chủ lực để tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh như dưa món, cà pháo, củ kiệu… Về giá cả, chúng tôi cố gắng tung các chương trình khuyến mãi nhiều nhất có thể với phương châm năm nay Sông Hương Foods không hướng vào mục tiêu có lời mà chỉ cần duy trì công ăn việc làm cho công nhân để giữ nguồn lực và tránh tồn kho” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo vị tổng giám đốc này, nếu các công ty thực hiện hết các chiến lược marketing để tăng doanh số mà vẫn không mang lại nhiều hiệu quả thì cần tính lại bài toán tiết kiệm chi phí tối đa. Bởi vậy, ngay cả các đại siêu thị cũng cố gắng tinh gọn mô hình bày bán để tránh lãng phí nguồn lực và không gian.
Tương tự, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, kỳ vọng sẽ giữ được mức tăng trưởng 5%-10% trong năm nay. Dù vậy, ông vẫn lo lắng về sức mua yếu, nhất là mùa cuối năm.
“Hiện công ty đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, bánh kẹo và sắp tới sẽ ra mắt nước mắm và hạt nêm - hai sản phẩm thiết yếu mà gia đình nào cũng cần có trong mùa Tết năm nay” - ông Nguyên cho biết.
Đáng chú ý, tâm lý người tiêu dùng ngày nay không còn thích ra phố mà có xu hướng vào trung tâm thương mại để mua sắm, vui chơi, ăn uống. Vì vậy, Tập đoàn Kido đã tăng thiết kế lại không gian cho các nhãn hàng tại một số trung tâm thương mại, chú trọng vào mảng ẩm thực, nhà hàng, ăn uống, khu vui chơi trẻ em, trang phục thể thao… để lôi kéo khách hàng.
Cùng với kênh bán hàng truyền thống, nhà kinh doanh cần đẩy mạnh việc chăm sóc khách hàng thông qua các kênh số.
Tìm đường xuất khẩu
Bên cạnh việc chăm sóc thị trường nội địa, Tổng Giám đốc Sông Hương Foods Nguyễn Lê Quốc Tuấn tiết lộ công ty đã và đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Nhờ đó, nhiều sản phẩm bánh truyền thống của công ty như bánh nậm, bánh lọc, xôi vò… đã xuất qua thị trường Mỹ, Nhật Bản và Anh. Đặc biệt, chính những sản phẩm này đang “cứu” công ty thoát khỏi cảnh ế ẩm.
Mặt khác, dù doanh thu xuất khẩu đang chiếm tỉ trọng lớn nhưng ông Tuấn cho biết về lâu dài công ty cố gắng cân bằng lại tỉ trọng giữa bán trong nước và xuất khẩu. Bởi chỉ khi cân bằng được “thế đứng hai chân” này thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững, không rơi vào thế bị động khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Điều này tương tự với chiến lược của Công ty Cổ phần DH Foods của ông Nguyễn Trung Dũng. Ông cho biết mục tiêu của đơn vị là đẩy mạnh và tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Ông Dũng đánh giá: “Năm nay thị trường còn khó khăn hơn năm ngoái, chính vì thế từ đầu năm tới nay chúng tôi đã tích cực tham gia hội chợ triển lãm quốc tế để tìm kiếm đơn hàng. Tháng 11 tới đây, chúng tôi sẽ tham dự triển lãm ở Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội tại thị trường tỉ dân này. Tháng 12, chúng tôi sẽ quay về thị trường nội địa để chinh chiến bằng các sản phẩm mới nhỏ gọn và các sản phẩm quà tặng có giá tầm trung nhưng chất lượng cao, hợp với túi tiền của người dân” - ông Dũng thông tin.
Vị lãnh đạo công ty kỳ vọng nhờ vào sự cố gắng tăng đơn hàng xuất khẩu cũng như mở rộng thị phần nội địa, doanh thu cả năm của công ty sẽ tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần có giải pháp kích cầu mạnh
Đại diện Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho hay tới thời điểm hiện tại, hầu hết công ty đã có kế hoạch về nguyên liệu, nguồn hàng và giá thành hàng hóa phục vụ cho hàng Tết.
Đặc biệt, hầu hết nhà kinh doanh đều cho biết họ đang cố gắng tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất nhằm cố gắng giữ giá bán ổn định, thậm chí giảm giá bán nếu có thể để kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua còn yếu, giới kinh doanh đề nghị Nhà nước cần có các giải pháp mạnh để kích cầu tiêu dùng. Ví dụ, giảm thuế giá trị gia tăng 5% thay vì chỉ 2%; xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế, phí khác đối với xăng dầu. Thậm chí nghiên cứu chi tiền trực tiếp cho dân để mua sắm hàng hóa nhằm tăng thêm sức mua như một số nước đã áp dụng.
Muốn bán được hàng phải lần theo dấu chân khách hàng
TS Đinh Lê Đạt, chuyên gia marketing trên nền tảng số, Giám đốc điều hành ANTS Group, nhìn nhận hiện nay để tiết kiệm chi phí, nhiều công ty buộc phải cắt giảm tới 70% chi phí quảng cáo. “Vậy cơ hội tăng trưởng nằm ở đâu? Một trong những giải pháp trả lời cho câu hỏi này là tận dụng công cụ số để giúp nhãn hàng đi theo từng dấu chân của khách hàng” - ông Đạt nhấn mạnh.
Giải thích rõ hơn, vị chuyên gia này nói hiện nay nhiều công ty có thể đang làm tốt việc quảng bá thương hiệu nhưng chưa thực sự hiệu quả trong việc chuyển đổi từ người xem quảng cáo trở thành khách hàng chi tiền mua sản phẩm, dịch vụ. Chính vì thế, nếu muốn bán được hàng, nhà kinh doanh phải tự xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích hành vi khách hàng, cung cấp thêm cho khách hàng một trải nghiệm số như tận dụng công nghệ thực tế ảo. Bên cạnh đó, không được quên đi trải nghiệm vật lý.
“Chúng ta cần nhớ rằng nếu như kênh offline là nơi để khách hàng có thể cầm, nắm, thử sản phẩm thì online lại là kênh gắn kết khách hàng. Nếu chúng ta mất đi một điểm chạm với khách hàng trên hành trình trải nghiệm, cơ hội bán sản phẩm sẽ bị mất đi” - ông Đạt nhấn mạnh.
Ở góc độ tư vấn doanh nghiệp, ông Hoàng Tiến Giao, Phó Giám đốc điều hành T&A Ogilvy Việt Nam, cũng cho rằng cùng với kênh bán hàng truyền thống, nhà kinh doanh cần đẩy mạnh việc chăm sóc khách hàng thông qua các kênh số. Ví dụ như gửi tin nhắn được cá nhân hóa nội dung để tăng sự thú vị và sự trung thành của khách hàng.•