Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng điều chỉnh quy mô quy hoạch tuyến cao tốc Bắc-Nam thành 6-10 làn xe cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước; thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch.
Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 55.000 tỉ đồng để thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam.
Về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng toàn tuyến các đoạn sẽ được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020 theo quy mô quy hoạch đã được phê duyệt.
Thủ tướng đồng ý phương án Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng; giao Bộ GTVT lập lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc huy động từ các nguồn vốn khác, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện đa dạng các phương án huy động vốn bao gồm nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á-AIIB, bảo lãnh Chính phủ, phát hành trái phiếu công trình...
Thủ tướng cũng đồng ý chỉ định thầu tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế theo quy định; Bộ GTVT tổng hợp vào cơ chế, chính sách đầu tư chung để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh, trên cơ sở thiết kế kỹ thuật được duyệt.
Trước đó, Bộ GTVT đã có tờ trình Chính phủ về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Theo đó, Bộ GTVT đưa ra ba phương án đầu tư xây dựng. Trong đó, Bộ GTVT ưu tiên chọn phương án 1. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỉ đồng: Đầu tư với chiều dài khoảng 467 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT; đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).
"Bộ GTVT chọn phương án 1 bởi phù hợp nhu cầu vận tải đến năm 2020 và cân đối vốn bố trí cho các dự án cấp thiết, quan trọng của Bộ GTVT để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có…” - lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.