Chiều 16-8, tại buổi làm việc giữa Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với UBND TP Cần Thơ và các sở, ngành liên quan về khảo sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố xét xử và thi hành án tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến về công tác thi hành án hình sự.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại TP Cần Thơ ngày 16-8. Ảnh: N.NAM
Đại tá Nguyễn Văn Thuận - Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết việc bố trí đoàn đưa bị án ở Cần Thơ đi thi hành án tử hình ở trại Bố Lá là không hiệu quả. Công an TP và các ngành đã có ý kiến phản ánh nhiều lần nhưng chưa được xem xét.
“Chi phí đưa đi tử hình ở Bố Lá 180 triệu gần 200 triệu đồng. Mỗi ca tử hình tốn kém như vậy, nếu áp vào vụ xử ma túy ở Quảng Ninh với mấy chục án tử hình thì nhà nước tốn tiền tỉ để thi hành án tử hình. Nếu như lấy tiền này làm an sinh xã hội không ai chê. Cho nên tôi đề nghị xem lại. Mỗi lần đi như vậy là có xe dẫn đường, xe khóa đuôi, xe chở phạm, xe chở lực lượng các ngành, tôi nói nhiêu khê lắm. Tôi đi chỉ đạo ba ca rồi. Do đó, đề nghị các cơ quan tính toán cho bớt nhiêu khê và bớt chi phí, để chi phí đó lo an sinh xã hội” - ông Thuận góp ý.
Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ phản ánh với đoàn khảo sát về công tác THA tử hình ở Cần Thơ đang thực hiện quá tốn kém... Ảnh: N.NAM
Đồng ý kiến này, ông Huỳnh Văn Ri - Phó Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ cho biết thi hành án tử hình là bức xúc của nhiều tỉnh ở xa chứ không riêng gì Cần Thơ vì vừa tốn kém, vừa nguy hiểm cho đoàn đi. Mỗi lần đi như vậy phải bố trí 5-7 chiếc xe, có xe dẫn đoàn đi, có đủ các lực lượng y tế, pháp y, công an, VKS, tòa án… tốn kém quá lớn. Do đó, ông Ri đề nghị nên có thi hành án tử hình khu vực hoặc tốt hơn nữa là xe chuyên dùng lưu động thi hành án tử hình để thuận lợi cho địa phương.
Một vấn đề khác cũng được Đại tá Thuận chia sẻ là tình hình xuống cấp của trại tam giam vì được xây dựng từ năm 1982. Ngoài việc xuống cấp thì còn tình trạng quá tải, chưa có phân trại riêng người già, phụ nữ, trẻ em mà phải nằm chung với tạm giam.
Nhà tạm giữ các quận, huyện hiện nay cũng quá tải, ví dụ nhà tạm giữ quận Ninh Kiều sức chứa 160 người nhưng hiện nay đang giữ trên dưới 200 rồi. Việc này gây khó khăn trong công tác điều tra và chống thông cung. Hiện đã gắn camera an ninh, hỏi cung nhưng cũng chưa đảm bảo yêu cầu...