Nhà phân tích CIA: Đánh Triều Tiên sẽ tác dụng ngược

Cụm từ “chảy máu mũi” – làm thiệt hại trước mắt nhưng không gây hại được về lâu dài - thời gian gần đây được nhiều chính trị gia Mỹ dùng đến để nói đến một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên. Nhà ngoại giao Victor Cha vừa bị chính phủ Trump rút đề cử đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc tháng trước khi tuyên bố phản đối Mỹ đe dọa đánh “chảy máu mũi” Triều Tiên.

Trong một bài viết trên USA Today, ba nhà cựu phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Jung H. Pak, Sue Mi Terry và Bruce Klingner có chung một bài viết phản đối ý tưởng đánh phủ đầu Triều Tiên. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết:

Bất kể những gì đang xảy ra ở Thế Vận Hội Mùa Đông 2018, chúng ta đang gần với nguy cơ chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên hơn bao giờ hết, kể từ thời điểm 1994. Đây là năm chính phủ Clinton cân nhắc một cuộc tấn công quân sự phủ đầu phá hủy khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.

Là những nhà cựu phân tích của CIA, với tổng cộng 45 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Triều Tiên của 3 người cộng lại, chúng tôi tin đánh phủ đầu Triều Tiên sẽ kéo theo hàng loạt hành động có thể dẫn đến tán phá và thương vong lớn cũng như hủy hoại chiến lược “tối đa áp lực và gắn kết” của Mỹ. Chúng tôi làm việc ở 3 tổ chức khác nhau và chưa hẳn đồng ý nhau về mọi vấn đề, nhưng riêng chuyện này chúng tôi hoàn toàn thống nhất với nhau. (Nhà nghiên cứu Jung H. Pak hiện đang làm việc ở Viện Chính sách Brookings, nhà nghiên cứu Sue Mi Terry làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, và nhà nghiên cứu Bruce Klingner làm việc ở Quỹ Heritage).

Người dân Bình Nhưỡng (Triều Tiên) xem bản tin về một vụ thử tên lửa của nước này, tháng 9-2017. Ảnh: AP
Người dân Bình Nhưỡng (Triều Tiên) xem bản tin về một vụ thử tên lửa của nước này, tháng 9-2017. Ảnh: AP

Một cuộc tấn công phủ đầu trước – được thực hiện khi không có bất kỳ dấu hiệu nào rằng Triều Tiên sẽ tấn công – sẽ không loại trừ đe dọa hạt nhân của Triều Tiên với nước Mỹ, cũng không bảo đảm ổn định và an ninh khu vực. Thực tế, một cuộc tấn công như vậy sẽ củng cố thêm quyết tâm phát triển năng lực hạt nhân của Triều Tiên, củng cố thêm thể chế của ông Kim Jong-un, cũng như khẳng định thêm mô tả của Triều Tiên về một nước Mỹ “thù địch”.

Không giống tình huống năm 1994, chúng ta giờ đối mặt với một Triều Tiên có khả năng có tới 60 vũ khí hạt nhân với đa dạng tên lửa đạn đạo để bắn chúng. Dù Mỹ có nói rõ rằng đánh phủ đầu không nhằm thay đổi thể chế Triều Tiên, ông Kim Jong-un khả năng lớn cũng sẽ trả lời bằng hành động quân sự, chẳng hạn tấn công các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc để cho thấy mình không bị đe dọa và thể hiện sức mạnh. Và Mỹ sẽ buộc phải đánh lại. Từ đó có thể thấy rủi ro mũi ông Kim sẽ không phải là cái mũi duy nhất bị “chảy máu”.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội ước tính có thể sẽ có từ 30.000-300.000 người chết trong vài ngày đầu giao tranh. Thương vong sẽ còn cao hơn nhiều nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học, hoặc nếu Trung Quốc can dự vào. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc có 25 triệu dân, bao gồm cả 200.000 công dân Mỹ là nơi chịu tổn thương đầu tiên từ các cuộc tấn công thông thường của Triều Tiên, khi chỉ cách khu phi quân sự khoảng 60km. Thủ đô Tokyo của Nhật với hơn 36 triệu dân cũng nằm trong tầm bắn tên lửa Triều Tiên.

Trên cả mất mát trước mắt về nhân mạng và tài sản là các hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Một cuộc chiến tranh ở Đông Bắc Á sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 12 của thế giới – Trung Quốc, Nhật, và Hàn Quốc, cũng như kéo kinh tế toàn cầu vào hỗn loạn.

Nghiêm trọng hơn, một cuộc chiến tranh bắt đầu từ hành động của Mỹ có thể dẫn tới sụp đổ liên minh Mỹ-Hàn cũng như khiến Mỹ mất vị thế và uy tín ở Đông Bắc Á. Mỹ sẽ bị xem là kẻ mạo hiểm đem an ninh của đồng minh ra đánh cược, đặc biệt khi chính phủ Trump vẫn chưa rõ ràng về các mục tiêu quân sự và chính trị.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (thứ hai bên phải sang, hàng đầu) tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc). Diễn biến hòa giải giữa hai miền Triều Tiên được truyền thông quốc tế nhận định là một thách thức lớn với Mỹ. Ảnh: AP
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (thứ hai bên phải sang, hàng đầu) tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc). Diễn biến hòa giải giữa hai miền Triều Tiên được truyền thông quốc tế nhận định là một thách thức lớn với Mỹ. Ảnh: AP

Nếu Mỹ đánh mà không báo trước hay bất chấp phản đối của đồng minh, thì đây sẽ là điểm cộng cho mục tiêu của ông Kim Jong-un, tạo rạn nứt giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật. Một vụ đánh phủ đầu cũng sẽ khiến Trung Quốc và Nga nghĩ rằng chính Mỹ chứ không phải Triều Tiên là nguồn cơ gây bất ổn và căng thẳng khu vực. Điều này càng khiến Mỹ khó khăn hơn trong tìm kiếm hợp tác của hai nước này để kiềm chế Triều Tiên.

Mỹ cần duy trì cảnh giác ngăn ông Kim Jong-un tách rời liên minh giữa Mỹ với Hàn Quốc, cũng như tìm cách hợp nhất bán đảo Triều Tiên bằng sức mạnh một khi ông Kim phát triển được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân bắn tới đất Mỹ.

Tuy nhiên cách tốt nhất để ngăn chặn Triều Tiên là duy trì hợp tác chặt với Hàn Quốc và Nhật, làm rõ với ông Kim rằng bất kỳ hành động gây hấn nào sẽ bị đáp trả mạnh. Chúng ta nên dành hành động quân sự cho tình huống khác, như khi chúng ta có chứng cứ rõ ràng Triều Tiên sẽ tấn công, hay Triều Tiên cung cấp vũ khí hạt nhân cho các nhóm khủng bố, hay vượt các lằn ranh đỏ khác Mỹ vạch ra. Nếu thiếu những điều này, chúng ta không nên đánh trước.

Chúng ta vẫn còn thời gian để định hình cách tiếp cận ông Kim và ngăn chặn một cuộc chiến tranh bằng cách tăng sức nóng lên Triều Tiên. Chính phủ Trump cần mở rộng uy tín với việc thực hiện thành công chiến lược “tối đa áp lực” tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Một cuộc tấn công phủ đầu sẽ có nguy cơ phá hoại thành công này, cũng như khởi động một cuộc xung đột quân sự tốn kém có thể hủy hoại mục tiêu cao nhất của chúng ta là giải trừ hạt nhân Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm