Tại buổi tọa đàm về Di sản văn thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ: “Nếu nhắc tên hầu khắp các nhà thơ, nhà văn - những cây đại thụ trong văn học nước nhà những thập niên gần đây, hiếm có nhà thơ, nhà văn nào có được sự vinh danh kịp thời, sự ghi nhận đáng tự hào đến thế”.
Buổi tọa đàm về Di sản văn thơ nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông, nhà thơ Nguyễn Phan Hách có thể được ví như một bữa tiệc của nghệ thuật. Đó là nơi thi ca được âm nhạc chắp cánh.
Hơn thế, đó còn là nơi những tâm hồn nghệ sĩ, tâm hồn của những người yêu nghệ thuật, thi ca, cùng lấy tấm chân tình tưởng nhớ làm sợi dây kết nối giữa những người đang ở thế giới hiện tiền với người đã nhẹ bước về "cõi người hiền".
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã để lại những tác phẩm có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau. Có thể nói, khối lượng tác phẩm của ông là một tài nguyên quý giá không phải chỉ với quê hương Kinh Bắc của ông mà còn với cả nền văn học đương đại.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách hội tụ đủ tài hoa của một hồn thơ tinh tế, lãng mạn và sâu lắng; một tiểu thuyết gia “gây bão”; một người sáng tác ca khúc “có nghề” và một nhà quản lý “có tầm”.
Trong khi đó, hình ảnh của ông giữa đời thường lại vẫn mang dáng dấp của một người quê hiền lành, chân chất, giản dị, luôn trách nhiệm, tận tụy trong từng công việc nhỏ.
Bạn đọc yêu thơ văn của ông - mỗi người sẽ tìm đến kho “tài nguyên” ấy để lưu giữ trong tâm trí mình một bức chân dung riêng về người nghệ sĩ mà mình yêu mến. Giống như bao thế hệ đã từng say mê những câu ca về làng quan họ từ thuở ấu thơ, rồi lớn lên lại chuyền tay nhau Hoa sữa và rưng rưng khi chạm đến bài thơ Tiếng Việt mến yêu!
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách - ông là một nghệ sĩ đã mang làng quan họ của ông đi xa không chỉ trên mọi miền quê Việt Nam mà còn đi theo người Việt đến nhiều nơi trên thế giới!
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Hách sinh ngày 13-1-1944 tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, ông đi dạy học một thời gian rồi về Ty Văn hóa Hà Bắc làm cán bộ sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian.
Sau đó, ông về làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ. Tiếp đó, ông chuyển sang NXB Hội Nhà văn làm biên tập viên rồi làm Giám đốc. Từ năm 2008, ông làm Tổng Biên tập NXB Dân trí.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách có năng khiếu văn chương từ nhỏ. Năm 1958, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã sáng tác và có truyện ngắn đăng báo Văn nghệ. Ông từng nhận giải thưởng do tuần báo Văn nghệ tổ chức thi các năm 1969 và 1974; giải thưởng truyện rất ngắn của tạp chí Thế giới mới năm 1994.