Sáng 15-4, tại đường sách TP.HCM, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã có buổi giao lưu, ra mắt sách Ơi cái tuổi trăng tròn của ông do SaigonBooks thực hiện. Tại đây, rất nhiều vấn đề về cuộc sống hiện đại trong mối tương tác với tuổi thanh thiếu niên đã được trao đổi trực tiếp dưới góc nhìn của nhạc sĩ - nhà báo - nhà văn - nhà giáo Vũ Đức Sao Biển, một người đã bước vào tuổi 70 hơn.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết mình không có Facebook và không biết sử dụng điện thoại thông minh.
Một trong những vấn đề gây chú ý trong buổi giao lưu là chương “Hãy ứng xử từ tốn trên mạng” nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã viết trongƠi cái tuổi trăng tròn. Nhạc sĩ-nhà văn cho biết lý do ông viết điều này với các bạn thanh thiếu niên bắt nguồn từ câu chuyện ở quê hương ông - vùng đất Quảng Nam. Ông cho biết ở quê hương ông người dân đa phần là miền quê như huyện Đại Lộc cư xử với nhau rất hiền lành, tử tế. Vậy mà gần đây có một chuyện động trời từ Facebook xảy ra ở Đại Lộc. Bốn cô học sinh vì lời qua tiếng lại trên Facebook đã rủ nhau đánh bạn, thậm chí lột quần áo của cô gái bị đánh. Chuyện này đã biến thành một vụ án làm nhục người khác. Còn ở TP.HCM, có hai cô gái cũng vì nói qua nói lại trên Facebook mà hẹn đánh nhau trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, may mà công an can thiệp kịp thời. Đau lòng hơn, ở Đồng Nai có một em nhỏ đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực chỉ trích từ thế giới mạng…
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nói: “Tôi không lập Facebook, tôi già vậy rồi nhưng vẫn sợ có lúc nào đó mình lỡ viết gì sai lầm thì ngay lập tức nhận phải những lời chỉ trích nặng nề từ bạn bè, người thân, thậm chí là con mình, cháu nội mình nó cũng sẽ cười mình. Tôi chọn biện pháp an toàn cho mình là muốn nói gì với người khác thì trao đổi qua email. Nhưng tôi muốn nói với mọi người, muốn khuyên các em nhỏ, mạng xã hội như Facebook có sự lan tỏa rất nhanh, có những tác động, tác hại mà mình không thể lường hết được. Vậy nên mọi người hãy chậm lại, hãy ứng xử từ tốn lại, từ tốn để có sự cân nhắc khi ứng xử”.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và MC Phương Huyền giao lưu với bạn đọc.
Ở cuộc giao lưu, nhạc sĩ-nhà văn Vũ Đức Sao Biển đã thể hiện sự buồn tiếc trước những câu chuyện đã và đang diễn ra trong ngành giáo dục. Đó là câu chuyện nữ sinh Phạm Song Toàn hoang mang vì cô giáo suốt ba tháng không mở miệng nói chuyện, giảng bài. Chuyện một học sinh Trường Nguyễn Khuyến tự tử vì áp lực học tập. Ông nói: “Ngành sư phạm đẹp lắm, nó có thể không mang lại nhiều tiền nhưng luôn luôn là một ngành cao quý. Nhưng thời gian gần đây, tôi thấy các em vào lớp lo lắng, về nhà cũng lo lắng. Thấy các em phải gánh chịu những áp lực đó, tôi thấy tội cho các em lắm!”.
Luôn trăn trở và tâm huyết với giáo dục, cũng từng có thời gian đi dạy, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã viết cuốn sách Ơi cái tuổi trăng tròn. Ông hy vọng từ cuốn sách này, mong các em học sinh được “quẳng gánh lo đi mà vui sống” như tên một cuốn sách của học giả Nguyễn Hiến Lê dịch. “Tôi mong các em được vui sống, được vừa học vừa chơi, không phải gánh trên vai những áp lực nào cả” - nhà văn Vũ Đức Sao Biển chia sẻ.
Viết Ơi cái tuổi trăng tròn, tác giả muốn đưa đến cho các độc giả độ tuổi 15-18 những kỹ năng thiết thực và gần gũi như việc học hành, thi cử sao cho không căng thẳng. Mối quan hệ với bạn bè, thầy cô ra sao. Sự dậy thì của cơ thể như thế nào. Những thói quen xấu không nên có. Rèn giũa nhân cách, khẳng định bản thân như thế nào. Hãy tránh xa ma túy ra sao. Cách tự bảo vệ mình trước nạn tảo hôn, xâm hại tình dục…
Những vấn đề đó đã được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết theo cách tổng hợp các kiến thức về triết học, xã hội học, âm nhạc, nghệ thuật, thi ca, văn chương, y học một cách giản dị, dễ hiểu, dễ tiếp cận với lứa tuổi thanh thiếu niên.