So với cùng kỳ năm 2013, số nợ đã tăng lên đến 33.360 tỉ yên. Các khoản nợ của chính phủ đã tăng 7.010 tỉ yên kể từ cuối tháng 12. Lý do con số này ngày càng tăng cao là do các khoản chi cho chính sách xã hội. Khoản chi phí này không ngừng phát sinh để hỗ trợ cho nhóm dân số già đang ngày càng đông ở đất nước mặt trời mọc.
Số dư trái phiếu Chính phủ , tín phiếu tài chính và lãi vay khác vượt qua ngưỡng 1 ngàn tỉ lần đầu tiên vào cuối tháng 6-2013. Trước ngày 1-4-2014, nợ công Nhật Bản tính trên đầu người là 8,06 triệu yên/người (với dân số ước lượng khoảng 127,14 triệu dân).
Ông Taro Aso, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, đổ lỗi cho việc các chính sách cải cách tài chính được ứng dụng quá chậm.
Tuy nhiên, phần lớn nợ công của Nhật Bản thuộc về tay chủ nợ nội địa nên dù nợ công hơn 200% GDP, Nhật Bản vẫn chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng như Hy Lạp, Tây Ban Nha với mức nợ công xấp xỉ 100% GDP.
Từ tháng 4, thuế tiêu thụ ở Nhật Bản đã tăng từ 5% lên 8%. Tháng 10-2015, mức thuế sẽ tăng lên 10%. Quyết định quan trọng này được xem là hành động cụ thể để Chính phủ Nhật Bản thực hiện quyết tâm giảm nợ công.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đồng thời tung gói kích thích mới trị giá gần 51 tỷ USD để giảm bớt cú sốc cho người tiêu dùng. Đây được xem là tín hiệu khả quan để hy vọng phục hưng nền kinh tế theo chính sách Abenomics của thủ tướng Abe.
An Khương