Chỉ riêng trong ngày tai họa 11/3/2011, Đông Bắc Nhật Bản hứng chịu 3 trận động đất với trận đầu tiên mạnh 9 độ Richter và dư chấn 7,7 độ sau đó 30 phút cùng hai trận 7 độ Richter rải rác trong ngày.
Tính đến 11 giờ 32 phút tối qua (7/4/2011), khu vực này lại rung chuyển với trận động đất thứ tư với cường độ 7,4 độ Richter.
Một nhà kho ở thành phố Kurihara, tỉnh Miyagi, đổ sập sau trận động đất 7,4 độ Richter tối qua (7/4/2011). (Ảnh: Cao Phong/Vietnam+)
Đây là thống kê mới nhất của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản và cũng là một hiện tượng hiếm thấy từ trước tới nay về mức độ xuất hiện với tần số dày đặc của các “hung thần” địa chấn cấp độ 7 tại quốc đảo này.
Thông thường dư chấn có cường độ nhỏ dần và khoảng cách ngày càng mở rộng, nhưng dư chấn ngày hôm qua được coi là trường hợp hiếm có trong ngành địa chấn học.
Cơ quan Khí tượng còn cho biết thông thường, dư chấn lớn nhất sau một tháng mà chỉ chênh có 1 độ Richter thì khả năng phát sinh dư chấn cường độ 8 độ Richter là hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Giáo sư Furumura Takashi thuộc Trung tâm Nghiên cứu Địa chấn Đại học Tokyo cho biết: “Số lượng các động đất cường độ 9 độ Richter là rất ít nên sẽ có rất khó xác định nguy cơ động đất trong tương lai. Trong nhiều tháng thậm chí 1 năm sau trận động đất Đông Nhật Bản vừa qua, nguy cơ dư chấn tới 8 độ Richter cũng rất cao.”
Trước đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng cảnh báo dư chấn từ cấp độ 5 trở lên. Dư chấn tối 7/3/2011 được cho là chỉ phát sinh lần đầu tiên trong 37 năm qua. Nhiều chuyên gia địa chấn đều đồng tình rằng “trận động đất ngoài khơi tỉnh Miyagi là hiếm thấy.”
Giáo sư Takeshi Sageya thuộc Khoa địa chấn Đại học Nagoya nhấn mạnh: “Địa tầng xảy ra động đất ngoài khơi Miyagi vẫn còn vết nứt sau trận động đất hôm 11/3/2011 và cần có những cảnh báo động đất thường xuyên từ nay về sau”.
Theo Cao Phong (Vietnam+)