Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương 1951 giữa Mỹ và Nhật cho phép Mỹ sử dụng một số căn cứ quân sự ở Nhật, đổi lại Mỹ có bổn phận phải bảo vệ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công. Bên cạnh bảo vệ Nhật, lực lượng Mỹ ở Nhật còn thực hiện các chiến dịch ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Hiện khoảng 54.000 lính Mỹ đồn trú tại 85 cơ sở quân sự ở Nhật.
Tăng gấp 4 lần hiện tại
Theo thông tin Foreign Policy dẫn từ ba đương kim và cựu quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên, Tổng thống Trump vừa yêu cầu Nhật phải tăng gấp 4 lần khoản chi phí cho việc Mỹ đóng quân tại Nhật.
Cụ thể, Mỹ muốn Nhật tăng khoản chi phí chi cho 54.000 lính Mỹ đóng quân tại Nhật từ mức 2 tỉ USD mỗi năm hiện tại lên 8 tỉ USD. Thỏa thuận chi phí quốc phòng hiện tại giữa hai nước (Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt - SMA) được ký từ năm 2016 và sẽ hết hạn vào tháng 3-2021.
Theo các nguồn tin quan chức Mỹ, yêu cầu này được phía Mỹ đưa ra trong chuyến đi của hai ông John Bolton và Matt Pottinger đến châu Á hồi tháng 7. Thời điểm đó ông Bolton còn là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và ông Pottinger lúc đó là Giám đốc châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Báo SCMP dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật nói thông tin Foreign Policy đưa không đúng và hiện Mỹ và Nhật không có cuộc thương lượng nào về một thỏa thuận chi phí quốc phòng mới. Theo người phát ngôn này, chuyện thương lượng thỏa thuận mới sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm tới.
Theo hãng tin Kyodo, thời điểm ông Bolton qua Nhật, các quan chức Nhật đã nói với ông Bolton chuyện tăng chi phí là “không thực tế”, rằng Nhật hiện vốn đã phải chịu phần chi phí lớn hơn các đồng minh khác của Mỹ cho số lính Mỹ đóng quân tại nước mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp nhau tại TP Yokosuka, tỉnh Kanagawa, phía nam thủ đô Tokyo (Nhật) hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS
Từ khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ, nhiều đồng minh của Mỹ phải chịu áp lực tăng chi tiêu quân sự. Tự nhận mình là “người thương lượng”, ông Trump nhiều lần nói thẳng các đồng minh của Mỹ trên thế giới phải chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ và Nhật cũng không ngoại lệ.
Japan Times phân tích những khó khăn và viễn cảnh có thể xảy ra của cuộc thương lượng vào năm tới giữa Nhật và Mỹ nhằm gia hạn thỏa thuận SMA:
Thiếu thống nhất về các tiêu chí đo lường chia sẻ chi phí
Một trong những phần khó khăn nhất của cuộc thương lượng sắp tới là hai nước thiếu một sự đo lường có căn cứ đích xác và được thống nhất song phương cho khoản tiền Nhật đóng góp để chia sẻ chi phí duy trì quân Mỹ tại Nhật. Điều này sẽ dẫn tới sẽ khó thống nhất ước tính phần đóng góp của mỗi bên.
Theo ngân sách tài khóa Bộ Quốc phòng Nhật 2019, Nhật chi khoảng 542,3 triệu USD cho quân Mỹ hiện diện trên đất mình theo thỏa thuận SMA, xây dựng các cơ sở quân sự ở đảo Guam. Trong khi đó về phía Mỹ, một báo cáo về chi phí đóng quân được trình lên Quốc hội Mỹ xác định khoản chi phí để duy trì quân Mỹ tại Nhật trong năm tài khóa 2020 tới 5,7 tỉ USD, trong đó bao gồm lương cho quân nhân, ngân sách hoạt động và bảo dưỡng…
Nhật đang chi những khoản gì?
Để quân Mỹ hiện diện trên đất mình, Nhật phải chịu hai khoản chi phí chính, một theo thỏa thuận SMA và một theo Chương trình Cải tiến thiết bị (FIP).
Được ký lần đầu tiên giữa hai nước vào năm 1987, thỏa thuận SMA có hiệu lực năm năm và theo đó Nhật phải chịu một khoản nhất định cho các chi phí tại các căn cứ Mỹ sử dụng ở Nhật và chi phí di chuyển các cuộc huấn luyện ra khỏi các khu dân cư.
Hiện tại Nhật chi khoảng 1,72 tỉ USD mỗi năm theo thỏa thuận SMA và khoảng 187 triệu USD theo chương trình FIP.
Nhật còn phải trả cho phí di chuyển các căn cứ Mỹ bên trong nước Nhật và tiền thuê đất để Mỹ lập căn cứ ở Nhật.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ di chuyển cạnh tàu khu trục tên lửa Myoko của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật ở biển Philippines ngày 15-8. Ảnh: US NAVY
Ngoài ra, Nhật phải chịu một phần đáng kể chi phí cho ba trong số các dự án căn cứ quân sự quốc tế lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai: Kế hoạch di chuyển căn cứ không quân thủy quân lục chiến Futenma ở Okinawa (Nhật chi 12,1 tỉ USD); căn cứ không quân thủy quân lục chiến Iwakuni (Nhật chịu 94% của khoản 4,8 tỉ USD); và các cơ sở quân sự mới ở đảo Guam (Nhật chi 3,1 tỉ USD tương đương 1/3) để trong tương lai di chuyển 4.800 lính thủy quân lục chiến từ Okinawa sang.
Ông Trump muốn gì?
Từ thời còn là ứng viên tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump nhiều lần phàn nàn rằng Nhật không chi đủ để Mỹ duy trì hiện diện quân ở nước này. Tháng 6 vừa rồi, tại hội nghị G20 ở Osaka (Nhật), ông Trump một lần nữa mô tả liên minh “không công bằng”.
Tới tháng 7, một số cơ quan truyền thông đưa tin ông Trump phái ông John Bolton - thời điểm đó còn là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - đến Nhật để truyền tải thông điệp rằng Mỹ muốn Nhật tăng khoản chi phí hàng năm cho quân Mỹ hiện diện ở nước này lên gấp năm năm lần.
Nhật mua tiêm kích tàng hình đa năng F-35 từ Mỹ. Ảnh: KYODO
Japan Times nhận định mức tăng gấp năm lần khả năng lớn là nước cờ mở đường của chính phủ Trump, nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy các yếu tố khác của liên minh - thỏa thuận thương mại song phương, sự thân thiết giữa ông Trump với ông Abe và việc Nhật tăng mua vũ khí, thiết bị quân sự của Mỹ - có thể không có ảnh hưởng đến tiến trình thương lượng SMA sắp tới.
Sắp tới sẽ thế nào?
Japan Times dẫn ý kiến một số nhà quan sát cho rằng với đề nghị chia sẻ chi phí cao quá đáng này, chính phủ Trump có thể sẽ làm gia tăng rạn nứt giữa hai đồng minh Mỹ-Nhật. Đề nghị của Mỹ cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của Nhật vào cam kết của Mỹ với liên minh, với khu vực, chưa kể làm suy yếu sự ủng hộ từ trong nước Nhật với việc để quân Mỹ hiện diện ở Nhật.
Tuy nhiên, cũng theo các nhà quan sát, với tính cách của ông Trump thì các yếu tố trên sẽ không ảnh hưởng đến yêu cầu của ông. Và cuối cùng quyết định cũng sẽ nằm ở ông Trump. Và với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần, ông Trump chắc chắn rất mong muốn có một “chiến thắng” để trưng ra với cử tri. Vì thế nên chú ý đến thái độ và phát ngôn của ông Trump về vấn đề này trong quá trình ông vận động tranh cử.
Tại một cuộc vận động tranh cử đầu tháng 11, ông Trump một lần nữa thể hiện sự bất mãn với việc các đồng minh thiếu tích cực trong chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ, đặc biệt có đề cập tới Nhật. Ông Trump cho rằng các nước giàu phải chi nhiều hơn nữa cho việc quân đội Mỹ phải bảo vệ các nước này.
Bên cạnh các ý kiến này, Japan Times cũng cho rằng cuộc thương lượng giữa Mỹ và Nhật năm tới sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả cuộc đàm phán chia sẻ chi phí giữa Mỹ và Hàn Quốc hiện tại. Hàn Quốc hiện đang trong quá trình đàm phán căng thẳng với Mỹ về một thỏa thuận chia sẻ chi phí mới.