Ngày 6-7, Nhật xử tử Giáo chủ Shoko Asahara và sáu tín đồ khác của giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo, những người đã thực hiện vụ tấn công khí độc thần kinh sarin trên tàu điện ở Tokyo năm 1995 làm 13 người chết và hơn 6.000 người bị thương.
Shoko Asahara và sáu tín đồ bị treo cổ
Đài truyền hình NHK (Nhật) dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp Nhật cho biết Shoko Asahara 63 tuổi - tên thật là Chizuo Matsumoto bị xử tử bằng hình thức treo cổ tại nhà tù, sau 23 năm bị giam. Sau khi Asahara bị xử tử, đến lượt sáu thành viên khác của giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo từng bị kết tội đồng phạm trong vụ tấn công cũng bị treo cổ.
Theo Japan Times, ngoài vụ tấn công khí sarin ở tàu điện Tokyo, Asahara còn đứng đằng sau một loạt tội ác khác ở Nhật trong hai thập niên 1980-1990. Cụ thể, Asahara có vai trò trong 13 vụ án dẫn đến cái chết của 29 người. Trong số này có thể kể đến vụ sát hại luật sư Tsutsumi Sakamoto và vợ con ông vào tháng 11-1989, vụ tấn công khí sarin ở TP Matsumoto, tỉnh Nagono tháng 6-1994 làm tám người chết và 600 người bị thương.
Shoko Asahara (giữa), Giáo chủ giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo được di chuyển từ trụ sở cảnh sát Tokyo đến tòa án Tokyo để thẩm vấn ngày 19-7-1995. Ảnh: CNN
Phán quyết tử hình Asahara được tòa án Tokyo ra tháng 2-2004 và được Tòa án Tối cao thông qua lần cuối vào tháng 9-2006, với lý lẽ Asahara hoàn toàn tỉnh táo và phải chịu trách nhiệm hành động của mình.
Giết người là giúp đưa linh hồn lên thiên đường?
Theo bản khai của tòa, Asahara cho rằng tận thế là không thể tránh được và hành vi giết người thực chất là giúp đỡ đưa linh hồn họ lên thiên đường mà thôi.
Việc xử tử Asahara bị trì hoãn vì phải chờ tòa án hoàn tất xét xử các tín đồ của giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo. Toàn bộ tiến trình vừa xong vào ngày 25-1 năm nay.
Ngoài Asahara còn có 191 tín đồ giáo phái Aum Shinrikyo bị kết tội trong hàng loạt tội ác - giết người, âm mưu giết người, bắt cóc, sản xuất khí độc hóa học sarin và súng trường tự động. Trong số này có 12 người bị tuyên án tử.
Trong một phiên xử tháng 6-2001, Tomomasa Nakagawa - một cựu bác sĩ có vai trò lớn trong việc sản xuất khí sarin cho giáo phái Aum Shinrikyo đã khẩn khoản đề nghị Asahara giải thích suy nghĩ thật sự của mình khi chỉ đạo các tín đồ thực hiện tội ác.
“Tôi không vào giáo phái để sản xuất khí sarin hay bóp cổ ai. Làm ơn giải thích lý tưởng của ông với những người tin tưởng đi theo ông” - ông Nakagawa nói trong nước mắt tại phiên tòa này. Bản thân ông Nakagawa cũng bị xử tử trong sáng 6-7.
Đáp lại, Asahara chỉ ngồi im, nhắm mắt, lầm bầm những lời nói không ai có thể hiểu.
Cơn sốc của công luận Nhật
Trong suốt hàng chục năm dài ngồi tù Asahara không hề giải thích động cơ thực sự các tội ác mình làm. Trong 10 năm trở lại đây, Asahara từ chối mọi cuộc gặp từ bên ngoài, kể cả người thân. Trong các phiên xét xử và các cuộc trao đổi với luật sư, Asahara chủ yếu ngồi im hoặc có những lời nói khó hiểu. Khó khăn trong giao tiếp với Asahara khiến luật sư của ông này cho rằng Asahara không đủ sức khỏe tinh thần để dự các phiên xét xử.
Shoko Asahara, Giáo chủ giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo đã bị treo cổ. Ảnh: AFP
Asahara sinh năm 1955 ở TP Yatsushiro, tỉnh Kumamoto, thành lập giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo năm 1984. Thời điểm tháng 10-1988, con số tín đồ khoảng từ 3.000-4.000. Cao điểm, Asahara từng nói mình có hơn 10.000 tín đồ ở Nhật và khoảng 30.000 tín đồ ở Nga.
Giáo phái Aum Shinrikyo xây một nhà máy hóa chất ở làng Kamikuishiki thuộc huyện Nishiyatsushiro, tỉnh Yamanashi, dưới chân núi Phú Sĩ để sản xuất khí sarin và một cơ sở nữa để lắp ráp trái phép súng trường tự động.
Giáo phái Aum Shinrikyo đã thu hút được nhiều tín đồ trẻ học vấn cao, cả nhiều bác sĩ và nhà khoa học, nhiều người trong số này còn tham gia thực hiện tội ác. Thực tế này đã gây sốc lớn cho công luận Nhật.
Nhiều tín đồ còn xuất hiện trên các show truyền hình trực tiếp, công khai bảo vệ giáo phái Aum Shinrikyo. Chính sự công khai trên truyền thông này đã giúp củng cố uy tín, ảnh hưởng của giáo phái này. Hiện giáo phái này đã bị giải tán.