Bộ GTVT vừa lập tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các hãng hàng không về cạnh tranh giá vé máy bay nội địa.
Ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam được Bộ GTVT giao làm tổ trưởng tổ công tác. Cạnh đó còn có sự phối hợp của đại diện Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Bộ Công thương; Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
Vietnam Airlines cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn dù đã có sự trợ giúp từ Chính phủ. Ảnh: V.LONG
Tổ này có nhiệm vụ làm việc với các hãng hàng không trong nước về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Từ kết quả kiểm tra, tổ này sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc (nếu có).
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không trong nước về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.
Hiện vé máy bay nội địa chỉ quy định khung trần, không có giá sàn. Thời gian qua, một số hãng hàng không tung ra giá vé 0 đồng khiến Vietnam Airlines "nóng mặt". Nên hãng này từng nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ quy định giá sàn vé máy bay, để ngăn cạnh tranh giá.
Tuy nhiên các chuyên gia và dư luận cực lực phản đối đề xuất áp giá sàn vé máy bay. Vì việc này không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng. “Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng…”- một chuyên gia khẳng định.
Cuối cùng, Cục Hàng không vẫn giữ quan điểm không quy định giá sàn để có lợi cho người tiêu dùng.
Mới đây tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ trần giá vé với các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao.
Theo đó, với đường bay nội địa có từ ba hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Còn đường bay có dưới ba hãng bay vẫn được thực hiện như hiện hành.
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, lại cho rằng Nhà nước quy định giá trần không phải dựa vào số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường mà dựa vào thị phần doanh nghiệp nắm giữ.
Với lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines và VietJet lần lượt chiếm trên 34% đến 42% thị phần hàng không nội địa. Nếu chiếu theo quy định của Luật Cạnh tranh, Nhà nước phải quy định giá trần...
Vietnam Airlines từng đề xuất nâng trần giá vé máy bay Cụ thể, Vietnam Airlines đã đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1,6-1,7 triệu đồng. Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng); các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng); các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3,4 triệu đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4 triệu đồng (tăng 250.000 đồng). |