Sáng 3-11, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo còn nhiều nội dung được thiết kế hai, ba phương án và trình Quốc hội cho ý kiến.
Một trong những nội dung được thiết kế hai phương án đó là quy định về thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Mở rộng loại đất được làm dự án nhà ở thương mại
Theo phương án 1, giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành.
Cụ thể, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là “đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp)”; chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Phương án 2, UBTVQH đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất nhằm thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân và thuận lợi cho nhà đầu tư, giảm bớt chi phí tuân thủ…
Giá nhà ở Việt Nam quá cao so với thu nhập
Góp ý về quy định này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá đề xuất tại phương án 2 là nội dung rất mới so với dự thảo ở kỳ họp thứ 5.
Theo ông Đồng, với khả năng quản lý như hiện nay cộng với việc đây là đề xuất mới, chưa được đánh giá tác động đầy đủ thì việc UBTVQH để hai phương án là “sự cẩn trọng cần thiết”.
Nêu quan điểm cá nhân, ông Đồng nghiêng về phương án 2 của dự thảo.
Ông cho biết, quy định tại phương án 1 (như hiện hành) thì trong dự án có 1 m2 đất ở thì được làm, được chuyển mục đích toàn bộ diện tích còn lại sang đất ở cho dự án. Còn nếu không có m2 nào thì không được làm. Trong khi 1 m2 đất ở không mang lại mục tiêu quản lý nào rõ ràng mà chỉ làm phức tạp về điều kiện, thủ tục.
“Thực tế rất nhiều nhà đầu tư phải cố gắng vẽ dự án sao cho dính 1 m2 đất ở gần đó thì mới được làm.Thế nên, tác động thật của quy định này là hạn chế những dự án mọc lên giữa khu vực không có dân cư sinh sống trước đó”- ông Đồng nêu thực trạng và cho rằng việc này cũng không cần thiết.
Bởi theo ông, dự án mọc lên cũng không có tác động tiêu cực rõ ràng nào, pháp luật cũng có đầy đủ công cụ về quy hoạch để bảo đảm sử dụng đất để làm dự án nhà ở phải phù hợp.
Trong khi đó, với phương án 2, theo ông Đồng khi thực hiện giúp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và cung cấp nhà ở cho người dân, đây thực sự là điều rất cần thiết, khi mà hiện nay, dân cư đang dồn về đô thị. Nếu không mở rộng nguồn cung nhà ở thì cung thấp hơn cầu, giá nhà sẽ cao.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng nêu thực tế giá nhà ở của Việt Nam quá cao so với thu nhập trung bình của xã hội. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là người ta buộc phải ở trong các căn hộ dưới chuẩn an toàn.
“Vụ cháy chung cư mini làm bàng hoàng cả xã hội vừa qua, có một phần nguyên nhân do có quá nhiều rào cản không cần thiết về cung nhà ở”- ông Đồng nhìn nhận.
Do đó, theo ông gỡ bỏ rào cản về cung nhà ở, chỉ giữ lại những yêu cầu thật cần thiết về an toàn, chính là cách để hạn chế những vụ việc thương tâm như vậy.
“Điều này, tất nhiên còn phụ thuộc vào nhiều quy định khác, trong đó có Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mà Quốc hội sắp thông qua, song những thay đổi mạnh mẽ từ Luật Đất đai sẽ mở đường cho các thay đổi có liên quan”- ông Đồng nói về đề nghị QH thông qua dự thảo Luật Đất đai tại kỳ họp này.