Nhiều sai phạm trong mua sắm trang thiết bị trường học ở Đắk Nông

(PLO)- Theo kết luận thanh tra, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông liên quan đến sai phạm tại một số dự án mua sắm trang thiết bị giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-4, nguồn tin của PLO cho biết Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa chuyển thông tin đến Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy xem xét, xử lý theo quy định với tập thể, cá nhân tại Sở GD&ĐT tỉnh này.

Sở GD&ĐT và giám đốc sở này đã có khuyết điểm trong việc giám sát, quản lý, nghiệm thu tại gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị cho các trường học có học sinh bán trú năm 2021; để xảy ra việc cung ứng năm thiết bị không đúng xuất xứ hồ sơ dự thầu, hợp đồng.

Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông. Ảnh: VŨ LONG

Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông. Ảnh: VŨ LONG

Chuyển cơ quan điều tra

Cùng với đó, cơ quan thanh tra cũng chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông để làm rõ nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị trường học có dấu hiệu thông thầu xảy ra trên địa bàn.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, Sở GD&ĐT có một số gói thầu lấy báo giá không đúng quy định, chênh lệch giá, trang thiết bị giáo dục không đúng xuất xứ theo hồ sơ dự thầu, hợp đồng…

Cụ thể, năm 2021 Sở GD&ĐT chỉ định công ty Cổ phần thẩm định giá BTV-VALUE thẩm định giá đối với ba gói thầu cung cấp và lắp thiết bị cho các trường học có học sinh bán trú để xác định giá trần của tài sản làm cơ sở tham khảo thực hiện đấu thầu mua sắm. Tuy nhiên, công ty thẩm định không cung cấp các hồ sơ liên quan theo yêu cầu của sở, để cung cấp cho đoàn thanh tra.

Thanh tra phát hiện, trong hồ sơ dự thầu có 5/451 loại hàng hóa, nhà thầu không ghi nhãn mác, model hàng hóa.

Có 10 loại hàng hóa (trị giá hơn 137 triệu đồng) có xuất xứ Trung Quốc khác so với đề xuất theo hồ sơ dự thầu là xuất xứ Việt Nam.

Gói thầu mua sắm tương tự (năm 2020), nhưng trong hợp đồng kinh tế lại không quy định về xuất xứ, nhãn hiệu, trong khi quy định (theo hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) có xác định nguồn gốc, xuất xứ.

Kiểm tra 3/6 gói thầu (cung cấp và lắp đặt thiết bị trường học cho học sinh bán trú năm 2019; mua sắm thiết bị, công trình sửa chữa, cải tạo nâng cấp trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Đắk R’măng và trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính ở huyện Đắk Glong), cơ quan thanh tra phát hiện có 13 loại thiết bị được nhà thầu cung ứng do Trung Quốc sản xuất, nhưng hợp đồng có nguồn gốc Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia…

Có biểu hiện thao túng thị trường

Thanh tra phát hiện có tình trạng một số nhà thầu thuộc nhóm gia đình (đều là anh - em ruột, chú - cháu ruột) có biểu hiện thao túng thị trường cung cấp thiết bị giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, từ 2018 - 2021, năm hộ kinh doanh ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã cung cấp 235 gói thầu với giá trúng thầu hơn 15,5 tỉ đồng (chiếm 38,8% tổng số gói thầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông).

Tuy nhiên, hồ sơ mua sắm của nhóm thầu gia đình trên thực hiện không đảm bảo, đa số hàng hóa trang thiết bị giáo dục đã cung cấp không có tài liệu, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Một số trang thiết bị cung cấp không đúng quy cách; một số thiết bị có giá cao bất thường so với giá thị trường; không phối hợp với các trường học cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho hoạt động thanh tra.

Vẫn theo cơ quan thanh tra, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục tại các Phòng GD&ĐT và các trường học trên địa bàn tám huyện, TP Gia Nghĩa đa số là các gói thầu nhỏ lẻ giao về cho các trường học trực tiếp mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu.

Có 29 gói thầu mua sắm dù che nắng, cột bóng rổ tại các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk G'long, Đắk Song có dấu hiệu thông thầu. Nhiều gói mua sắm dù che nắng cho các trường học có dấu hiệu bị thông thầu, thổi giá gấp 4 đến 7 lần so với thị trường.

Cụ thể, tại huyện Đắk R’lấp dù che nắng (có đường kính 20m, chất liệu vải dù 420D, trụ cao 9m) được mua với giá 65 triệu đồng/cái. Thực tế, giá của các nhà cung cấp khác tham khảo trên mạng chỉ từ 8,82 triệu đồng đến 15,5 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho rằng, những chiếc dù che nắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng có giá trúng thầu cao gấp nhiều lần gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.

Từ năm 2016-2021, Sở GD&ĐT Đắk Nông cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện mua sắm TTBGD theo chương trình 775 (theo quyết định số 775 Chính phủ) và đề án 1436 (theo quyết định số 1436 của Chính phủ) với tổng kinh phí khoảng 76,8 tỉ đồng (phần lớn bằng nguồn ngân sách Trung ương).

Thanh tra xác định, việc mua sắm này đã để xảy ra sai phạm hơn 2,1 tỉ đồng. Trong đó, thanh tra kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,6 tỉ đồng, còn lại kiến nghị tự thu hồi, lắp đặt bổ sung, hoàn thiện các thiết bị.

Thanh tra xác định các sai phạm thuộc về Sở GD&ĐT Đắk Nông, Phòng tổ chức cán bộ-tài chính (thuộc sở); Phòng GD&ĐT các huyện và TP Gia Nghĩa; ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT; Công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền Nam; Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại và dịch vụ Tiến Đạt; Công ty TNHH MTV KTXD DAKNONGLAND...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm