Ngày 4-8 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo Cung-cầu và mở rộng thị trường nằm trong hội nghị Ngành công thương các tỉnh thành phố khu vực phía Nam lần IV -năm 2017 do Bộ Công Thương tổ chức.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết Chương trình Hợp tác Thương mại, kết nối cung cầu đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng mạng lưới phân phối của DN TP.HCM cũng như các DN thành phố trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành.
Tuy nhiên, bà Trang cho rằng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để, do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn.
Nhiều sản phẩm có thế mạnh, là tiềm năng của các địa phương chủ yếu do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công nên tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... để đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện cung ứng vào siêu thị chưa đảm bảo.
Quy chuẩn, mẫu mã bao bì... của DN vừa và nhỏ chưa đảm bảo để vào siêu thị
Vì vậy thời gian tới, đối với hoạt động sản xuất cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX phát triển sản xuất, nuôi trồng theo hướng an toàn, VietGap, GlobalGap… nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản tại TP.HCM.
Đối với rau, củ, quả, trái cây, phải tổ chức quy hoạch vùng trồng, đảm bảo số lượng, chủng loại, đồng chất lượng, hạn chế cung ứng theo mùa vụ. Đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Xây dựng, phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, quảng bá thương hiệu, chất lượng…
Các địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN thành phố đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương. Qua đó, phát triển hoạt động sản xuất nông sản tại các địa phương theo hướng tập trung, quy mô lớn và mở rộng thị trường cho hàng nông sản.