Nhìn ngược hai chữ 'đàn ông'

Chuyện của bạn

Huy, bạn nối khố của tôi, từ nhỏ đã có số má trong việc đánh nhau. Huy phải bỏ học sớm vì “giáp lá cà” với đám anh chị trong trường. Khi tôi tốt nghiệp đại học, hắn đã cưới đời vợ thứ hai. 

Người vợ đầu ly hôn sau khi kết hôn được tám tháng. Huy tuyên bố, khi chồng uống say, vợ không được càm ràm. Nhưng, đàn bà khó tránh việc cằn nhằn. Huy đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ, được vài trận như vậy thì vợ Huy bỏ về nhà ngoại. Gia đình Huy khuyên hắn nên qua nhà vợ xin lỗi rồi rước vợ về. Hắn tuyên bố đanh thép: “Làm thằng đàn ông, dám làm dám chịu. Có chết cũng không xin lỗi, năn nỉ ai cả”.

Cô vợ thứ hai trông có vẻ không hiền như cô đầu, Huy vẫn giữ tính ương bướng. Huy không có công việc ổn định, tính khí lại ngang tàng nên làm việc ở đâu cũng không quá một năm. Mới đây, vợ Huy sinh, tôi vào bệnh viện thăm. Nhìn bộ dạng bệ rạc và đôi mắt đỏ ngầu lầm lầm lì lì của thằng bạn, không hiểu sao trong lòng tôi lại dâng lên niềm thương cảm lạ. Bước ra sân bệnh viện, tôi cứ nghĩ đến hai chữ “đàn ông” mà Huy đang theo đuổi. 

Đàn ông là phải vậy sao? Phải có uy trong nhà? Phải “nói gì vợ nghe nấy, cấm cãi”? Phải đưa chuyện chia tay ra bất cứ lúc nào để dọa cho vợ sợ mà khỏi làm mình làm mẩy? Phải tỏ thái độ ta không sợ ai cả để trở thành “cái gai” trong mắt quản lý nơi làm việc, và dù bị đuổi việc nhưng lại cứ nghĩ mình thành công khi ra đi trong khảng khái?

Với tôi, biết sợ mới là đàn ông chứ không phải tỏ ra ngang tàng, bất cần đời là nam tính; ngồi xuống bên vợ thỏ thẻ, ân cần, ngọt ngào mới là đàn ông chứ không phải “đàn ông là phải làm sao cho vợ khúm núm, run sợ”; tìm được việc làm ổn định và tạo được tình cảm chan hòa với đồng nghiệp, với cấp trên mới là đàn ông chứ không phải “ương ngạnh, đụng đâu gây đó”.

CHUYỆN CỦA BỐ

Ngày tôi còn bé, một buổi tối, bố rủ các bạn về nhà đánh cờ. Có thể mẹ đang gặp chuyện gì bực dọc sẵn, lại không ngủ được do những người đánh cờ ồn ào. Hơn 10 giờ tối mà khách vẫn chưa về, mẹ càm ràm với bố. Vì giữ thể diện với khách, bố có hơi xẵng giọng. Bất ngờ, mẹ lao ra, làm ầm lên, hất cả bàn cờ. Các bạn của bố im lặng, bỏ về. Tôi co rúm người vì sợ. Lúc đó tôi thấy mặt bố đỏ lên, đôi mắt long sòng sọc. Tôi đoán sẽ có chuyện lớn khi khách về hết.

Nhưng không. Bố tôi chẳng nói chẳng rằng, ôm điếu cày ra ngoài sân, rít mạnh từng hồi và ngồi lặng yên. Hút thuốc xong, bố vào võng nằm ngủ như không hề có chuyện gì xảy ra. Lúc đó tôi thầm nghĩ, mẹ thật quá đáng, mà sao bố... hèn thế, bị làm mất mặt như vậy mà vẫn im lặng. Tôi giận mẹ và... sụp đổ luôn cả bố.

Với gia đình đông con như nhà tôi, đầu tháng Chín là những ngày căng thẳng nhất, bởi phải kiếm tiền nhập học cho mấy anh chị em chúng tôi. Bán lúa, bán đậu, vay mượn…, bố làm tất cả để đủ tiền đóng học phí. Mẹ thì chỉ biết đặt câu hỏi “bao giờ có tiền đóng học phí cho con?”, hỏi đi hỏi lại dù bố đang xoay như chong chóng. Những đứa em nhỏ của tôi đi học về, khóc nức nở vì trễ hạn đóng học phí, bị cô giáo nhắc nhở và bạn bè trêu chọc. Có những lần căng thẳng quá, mẹ mắng bố sa sả. Bố chỉ ngồi im, không nói tiếng nào. Bình thường thì bố là người hoạt ngôn, nhưng khi bị vợ mắng thì bố chẳng nói gì cả. Với cường độ chỉ trích, cằn nhằn ngày một dồn dập từ mẹ, bố vẫn bình tĩnh. Điều đó làm tôi thắc mắc, tại sao bố có thể chịu đựng được?

Thường là khi bức xúc chuyện gì đó, sau một hồi mắng mỏ, mẹ tôi mệt và kết thúc bằng câu: “Nói chuyện với ông thà nói với đầu gối còn sướng hơn. Thà ông chửi lại tôi, tôi còn đỡ tức”. Dù biết “nói với đầu gối sướng hơn” nhưng mẹ vẫn “xả” vào bố mỗi khi “khó ở”.

Nhưng bây giờ, khi đã có vợ và thỉnh thoảng chịu những trận “cuồng phong” từ vợ, tôi mới hiểu bố mình. Tôi thấy bố thật giỏi, thật nam tính khi đủ sức mạnh để hạ nhiệt trong những tình huống căng thẳng. Chuyện lớn thành chuyện bé, chuyện bé thành không có gì. Bố tôi đã làm được điều đó nhờ biết cách nhìn vấn đề “nhẹ đi” và luyện được khả năng chịu đựng, bồi đắp sự rộng lượng qua từng ngày. Nhưng bố cứ hạ mình mãi như vậy, có mất bản lĩnh đàn ông không? Không. Bố vẫn là người đàn ông ngời ngời. Bây giờ, dù ông đã mất nhưng mỗi lần mẹ kể chuyện về bố, đôi mắt vẫn ánh lên vẻ tự hào về chồng.

Chuyện của tôi

Nhìn ngược hai chữ 'đàn ông' ảnh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Trong gần hai mươi năm chung sống với vợ, gia đình tôi xảy ra khá nhiều chuyện giống như chuyện bố mẹ tôi ngày trước. Trong những trận cãi vã căng thẳng, nhiều lần vợ đã mắng tôi sa sả, thách thức tôi “ra tay”. May sao, tôi không “động thủ” lần nào, chỉ to tiếng. Những lúc ấy, tôi đã ước mình được như Huy, bạn tôi. Giá mà tôi cũng lạnh lùng được như hắn, hét lên một tiếng đanh thép là vợ như muốn rụng tim rồi im bặt. Nếu vợ còn lèo nhèo, đòi bỏ đi là tôi tuyên bố “tiễn” ngay. Ước xong, tôi lại nghĩ, làm như Huy cũng đâu cứu vãn được hạnh phúc gia đình. Xây mới khó chứ đập bỏ thì quá đơn giản. Tôi có thể gồng lên, xù xì, hung dữ, ngang tàng, nhưng sau đó vợ con xa lánh, tôi trở thành người đàn ông cô độc, để làm gì?

Và tôi cũng biết, để có được khả năng bình tĩnh, nhường nhịn như bố tôi ngày trước thật không đơn giản.

Vợ tôi máu nóng nổi lên rất nhanh nên câu trước câu sau là ào ào, ầm ầm. Tôi cũng là người dễ quạu, nhưng cứ dặn lòng “đàn ông thì phải nhường phụ nữ”. Mỗi lần cãi nhau to, tôi vận dụng bài học mà mình đọc được ở đâu đó: lẩm nhẩm từ một đến sáu mươi, quả nhiên hiệu nghiệm.

Những câu chuyện về nhún nhường trong gia đình thỉnh thoảng được tôi chia sẻ, liền bị mấy người bạn chế giễu, bảo “ông có còn là thằng đàn ông không?”, hay “ông nhất vợ nhì trời”. Tôi nghĩ thầm, sợ vợ cũng được, miễn gia đình yên ấm và trong sâu xa mình vẫn được vợ tôn trọng, nể phục.

Trong những lần được gặp các bậc trí thức cao niên có đời sống hôn nhân hạnh phúc, tôi thường đặt câu hỏi “điều mấu chốt để bác có cuộc hôn nhân hạnh phúc bền bỉ là gì?”. Đáng ngạc nhiên là hầu hết các bác được hỏi đều nhắc đến yếu tố nhường nhịn, dù nhiều người trong số đó từng có vị trí cao trong xã hội, “thét ra lửa” khi là thủ trưởng của một cơ quan lớn. Có một cụ ông trả lời thế này: “Tôi để vợ quyết định hết chuyện nhỏ, còn tôi chỉ quyết những chuyện lớn”. Tôi hỏi tiếp: “Thế những chuyện lớn là những chuyện gì ạ?”. Ông cụ hóm hỉnh: “Tôi sống với bà ấy hơn 50 năm nay, chưa thấy chuyện gì lớn để tôi phải quyết cả”.

Tôi thấy cụ ông này thật đáng mặt đàn ông.

Theo Đại Đồng (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm