Những đứa con chị Út Tịch, 45 năm sau...

Chúng tôi tìm về miệt vườn Tam Ngãi, nơi đang có bốn trong sáu người con của vợ chồng chị Út Tịch sinh sống, để tìm hiểu tiếp câu chuyện Mẹ vắng nhà mà Nguyễn Thi đã thôi kể từ năm 1968 - năm chị Út hi sinh và cũng là năm nhà văn qua đời. Trong căn nhà đối diện nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè, nơi chị Út và anh Tịch (Lâm Văn Tịch, chồng chị Út) đang an nghỉ, một người đàn ông ngũ tuần, dáng người khắc khổ trò chuyện với chúng tôi. Đó là Hiển “ngọng” - Lâm Thanh Hiển, cậu bé lủn củn với cái miệng “ngọng líu ngọng lô” trong tác phẩm của Nguyễn Thi.

Những đứa con chị Út Tịch, 45 năm sau... ảnh 1

Từ trái qua: chị Lâm Thị Xuân Hồng, anh Lâm Thanh Hùng, anh Lâm Thanh Hiển và cháu Lâm Nhật Tân (con anh Hiển) bên mộ chị Út Tịch - Ảnh: Viễn Sự

Thuộc lòng từng chữ

Truyện ký Người mẹ cầm súng và truyện ngắn Mẹ vắng nhà được Nguyễn Thi viết lần lượt vào năm 1965 và 1966. Nhưng mãi đến năm 1977, lần đầu tiên những đứa con của chị Út Tịch mới được đọc tác phẩm viết về mẹ mình. “Cả hai truyện có hơn trăm trang sách nhưng tôi đọc đến hơn một tháng mới xong. Lần đầu đọc được mấy trang tim đã quặn lại...” - anh Hiển kể về thời khắc “gặp lại” má Út, gặp lại chính mình và mấy chị em khi đọc tác phẩm của Nguyễn Thi. Nhưng sau đó anh thuộc lòng từng chữ của tác phẩm. Ngồi nói chuyện với anh Hiển, đến đoạn nào cần trích dẫn từ tác phẩm anh đều có thể đọc vanh vách, nhớ từng dấu chấm câu.

Anh Hiển cũng là cố vấn nghệ thuật cho đoàn làm phim Mẹ vắng nhà của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư bấm máy vào năm 1979 tại huyện Long Hồ, tỉnh Cửu Long cũ (nay thuộc Vĩnh Long). Suốt mấy tháng làm phim, cứ mỗi chiều sau khi quay xong về nơi ở tại công trường công nông Long Hồ, anh Hiển lại xem từng phân đoạn vừa quay và góp ý cho thật giống bối cảnh mẹ vắng nhà. Phim đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980 và giải thưởng Lọ hoa pha lê tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) năm 1980.

“Sao ba không đón chị em mình?”

Đó là câu nói mà anh Hiển và người chị thứ sáu Kim Anh vẫn nhắc lại trong ngày giỗ, trong những dịp chị em sum họp. Câu nói ấy hai chị em từng thốt lên trong những ngày mòn mỏi chờ ba cuối năm 1975 ở Sài Gòn, khi vừa được đưa về từ miền Bắc. Mấy tháng ròng, hai chị em cứ nhìn hết gia đình này đến gia đình khác đến đón những học sinh miền Nam trở về sum họp nhưng vẫn không thấy ba đến đón. Hai chị em đâu hay ba đã hi sinh từ năm 1974.

Lát cắt đẫm nước mắt ấy chỉ là một đoạn ngắn trong hành trình 45 năm vắng mẹ của những đứa con chị Út Tịch. Từ cuối năm 1965, vì yêu cầu công tác, mẹ Út dẫn các con về Gò Quao (Kiên Giang) dựng chòi sinh sống, còn ba Tịch cùng người chị thứ tư là Lâm Thị Mỹ Thanh vẫn ở lại Tam Ngãi. Để rồi như một định mệnh, chị Út Tịch hi sinh ngay tại căn chòi ở Gò Quao trong lần sum vầy hiếm hoi, sau nhiều năm đàn con chia đôi ngả theo má, theo ba đi đánh giặc.

Đợt đó là tháng 11-1968, chị Út nghỉ công tác để sinh bé út (Lâm Thị Xuân Hồng), anh Tịch cắt phép qua thăm, cả nhà sum vầy chỉ còn thiếu mỗi Mỹ Thanh vẫn ở lại Tam Ngãi. Nhưng buổi sáng đó, khi bé Ba đang luộc hành cho má ăn dưỡng sinh, anh Tịch đang hâm lại cá kho cho bữa sáng của đàn con thì loạt bom B52 cắt ngay giữa chòi. Chị Út chết ngay trong loạt bom đầu tiên đó, với một miểng bom làm bay mất chóp trán và cắt nát phần ngực trái. Vừa dứt loạt bom đầu, anh Tịch gom đàn con tính đưa xuống hầm bí mật thì một loạt bom nữa lại cắt xuống. Lần này, người con gái thứ năm Lâm Thị Mỹ Tho gục ngay bên thi thể mẹ. Hiển lồm cồm bò dậy cũng bị một miểng bom cắt ngang bụng, lòi cả ruột ra ngoài. Riêng bé út, mới sinh được 14 ngày, dù bị hơi bom quăng xa hơn chục mét, vùi trong đống cây lá nhưng nhờ có “mụ đỡ”, khóc ré lên và được ba đến moi lên, thoát chết.

Trận B52 oan nghiệt không chỉ bắt “người mẹ cầm súng” phải vắng nhà vĩnh viễn, mà từ đó những đứa trẻ con người mẹ ấy phải chia lìa mỗi người một phương. Hiển “ngọng” được ba đưa về Thứ 11 (nay thuộc huyện An Minh, Kiên Giang), rồi sau đó vô căn cứ R20 (Kiên Giang) năm 1970. Năm 1971, Hiển lại về An Giang rồi được đưa qua Campuchia, theo đường Trường Sơn đi bộ ra đến miền Bắc vào cuối năm 1972. Lúc này, người chị thứ sáu Kim Anh cũng được ra Hà Nội, nhưng hai chị em mỗi người đi theo một tuyến nên ra đến nơi mới mừng tủi gặp lại nhau kể từ sau ngày mẹ mất.

Chín người con còn lại sáu. Những người con còn lại của chị Út Tịch đứa ngược về Cần Thơ, đứa xuống Bạc Liêu, Cà Mau... cơm nhờ, bú thép trong những cơ sở cách mạng mà mấy chị em vẫn gọi là ông bà nội, ngoại. Tứ tán và bặt tin nhau cho tới ngày thống nhất.

Tiếp nối 45 năm mẹ vắng nhà

Làng quê Tam Ngãi giờ yên bình, xanh mướt cây trái từ nhà ra tới mé sông Hậu. Những người già ở Tam Ngãi cùng thời với chị Út thiệt thà nói rằng cái “vật đổi sao dời” lớn nhất của xứ này chính là con đường mang tên Nguyễn Thị Út (tên thật của chị Út Tịch) chạy cắt qua trước ngôi nhà của địa chủ Hàm Giỏi khi xưa. Nơi đó, chị Út đã đi ở đợ “từ khi chưa biết mặc quần”. Biết nung nấu căm thù, đánh trả sự áp bức của nhà Hàm Giỏi với câu nói “nó đánh mình, mình đánh nó”, rồi được mấy chú, mấy cô “chấm” cho vô cách mạng.

Bầy con sáu đứa còn lại của chị Út, sau những tháng năm ly tán đã trở về đây. Bốn người dựng nhà ở Cầu Kè, chị Bé Ba và chị Kim Anh cũng ở Vĩnh Long ngay cạnh, có chuyện ới nhau cái là về Tam Ngãi. Anh Lâm Thanh Hùng, người con thứ tám của chị Út Tịch, kể sau ngày hòa bình, mấy chị em phải gom nhau từ tứ xứ mới đủ mặt. Trở về Tam Ngãi, không có nổi cục đất chọi chim, căn nhà với cây dừa cao, có dây trầu quấn quanh trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thi là ở nhờ người cậu họ. Bởi vậy, mỗi người cứ chọn lấy một góc đất hoang cạnh những nơi ngày xưa ba má hay lại qua mà dựng chòi. Chị sáu Kim Anh dựng chòi sát khu mộ ông Hàm, em gái út Xuân Hồng cất nhà sát mé chùa Ông Bổn, anh Hùng về lại khu đất ruộng bên nội. Còn anh Hiển dựng căn chòi hai tấm lá trên miếng đất hoang đối diện nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè để tiện chăm sóc mộ phần ba má đã cất về đây.

Đời ba má đi đánh giặc, đời con lít nhít đi ăn nhờ, bú thép, cái ơn đó mấy đứa con nhà chị Út Tịch không ai nhắc mà tạc dạ. Ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè, mộ phần của chị Út và hai anh hùng khác trong huyện được dành một góc riêng trang trọng, vừa được xây lại to đẹp đều nhau. Tất cả đều do những đứa con của chị Út Tịch làm lấy. Anh Hùng nói: “Đất này đâu chỉ có má tôi là anh hùng, mình phải chăm lo cho các đồng đội của má như mấy cô bác năm nào từng lo cho chị em tôi”. Anh Hiển kể sau ngày thống nhất, mấy chị em đã tổ chức nhiều chuyến xuôi ngược về miệt thứ ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... tìm lại những ông bà nội, ông bà ngoại đã cưu mang sáu chị em. Nhiều quá, không nhớ hết vì khi ở còn quá nhỏ, không tìm hết vì thời gian và chiến tranh, chỉ tìm được sáu gia đình, để lâu lâu mấy chị em và đám cháu lui tới nhận ông bà.

45 năm mẹ vắng nhà, những người con của chị Út Tịch nói những tháng ngày có mẹ, có cha trong trang sách của nhà văn Nguyễn Thi mãi mãi là một câu chuyện đẹp, một ký ức đẹp của cuộc đời mình. Một ký ức đẹp có lẽ không chỉ của riêng những người con của chị Út Tịch mà cả những ai từng cắp sách đến trường, từng đọc những dòng văn dung dị về những tháng năm vắng nhà của người mẹ cầm súng.

“Còn cái lai quần cũng đánh”

Những đứa con chị Út Tịch, 45 năm sau... ảnh 2

Chị Út Tịch năm 1965 khi ra Bắc dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang toàn miền Nam

Câu nói này của chị Út Tịch đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ của người dân miền Nam. Chị sinh năm 1931, tham gia cách mang từ năm 12 tuổi với vai trò giao liên. Năm 1954, chị cùng chồng là anh Lâm Văn Tịch (người Khmer) không tập kết ra Bắc mà ở lại hoạt động binh vận, đánh nhiều trận, tuyên truyền vận động nhiều binh lính đối phương bỏ ngũ.

Năm 1965, chị Út Tịch được cử đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang toàn miền Nam tại Hà Nội, được gặp Bác Hồ và được bầu là Nữ anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Nhà văn Nguyễn Thi sinh năm 1928 ở Nam Định, tên khai sinh Nguyễn Hoàng Ca. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều nhất với tên Nguyễn Ngọc Tấn, cái tên được khắc lên bia mộ (thực chất là mộ gió khi hài cốt của ông vẫn chưa tìm được) tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM. Năm 9 tuổi, ông phiêu bạt theo một gánh hát đồng ấu, rồi vào Sài Gòn năm 15 tuổi. Sau đó, ông tham gia cách mạng, vừa cầm súng chiến đấu vừa tham gia hoạt động văn nghệ.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc để công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, đến năm 1962 tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu. Ông hi sinh ở mặt trận Sài Gòn trong cuộc tổng tấn công xuân Mậu Thân đợt hai vào ngày 24-5-1968. Năm 2000, Nguyễn Thi được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật và đến năm 2011 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo NGUYỄN VIỄN SỰ (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…