Những kịch bản Triều Tiên đáp trả tập trận Mỹ-Hàn

Cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG) sẽ được tiến hành từ ngày 21-8 (hôm nay) tới 31-8 với sự tham gia của khoảng 17.500 quân nhân Mỹ và 50.000 quân nhân Hàn Quốc.

Tờ Navy Times ngày 20-8 bình luận tập trận chung Mỹ-Hàn năm nay có khả năng gây căng thẳng chưa từng có khi đây là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn đầu tiên của liên minh Mỹ-Hàn kể từ khi Triều Tiên tiến hành hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tháng 7 và đe dọa nã tên lửa về hướng đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trong suốt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn năm ngoái, Triều Tiên đã đáp trả bằng việc phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nước này còn khiến tình hình căng thẳng hơn khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần năm vào tháng 9-2016. Sức mạnh của vụ nổ tương đương với hai quả bom hạt nhân rơi xuống TP Hiroshima và TP Nagasaki của Nhật Bản, theo The Washington Post.

Các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận quân sự chung thường niên ở Pohang, tỉnh Bắc Gyeongsang, Đông Nam Hàn Quốc vào ngày 12-3-2016. Ảnh: GETTY

Đối với cuộc tập trận Mỹ-Hàn hồi tháng 3 năm nay, Triều Tiên đã phóng bốn tên lửa đạn đạo Scud để đáp trả. Theo Navy Times, Triều Tiên chắc chắn sẽ tiếp tục phản ứng trước tập trận chung Mỹ-Hàn năm nay. Vậy đòn đáp trả của Bình Nhưỡng sẽ mạnh tới đâu?

Một số chuyên gia nhận định thật sự Triều Tiên sẽ tập trung vào mục tiêu lớn hơn. Đó là xem cuộc tập trận như một cái cớ để thử nghiệm năng lực đối phó Mỹ thông qua việc phóng các tên lửa tầm xa mới, chứ nước này không mong muốn đẩy tình hình lên mức quá căng thẳng.

Nếu đúng như vậy, Triều Tiên có thể chỉ đưa ra các tuyên bố chỉ trích hoặc các động thái ít khiêu khích như tập trận pháo binh và tên lửa tầm ngắn. Bên cạnh đó, có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên kể từ vụ thử hồi tháng 8 năm ngoái.

Triều Tiên phóng bốn tên lửa Scud tại một địa điểm không xác định hồi tháng 3 năm nay. Ảnh: KCNA

“Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong năm nay và có thể sẽ thực hiện chính sách chờ xem để đánh giá áp lực từ Mỹ và Trung Quốc. Nước này thậm chí có thể tìm cơ hội để đối thoại, thay vì tiếp tục thử thêm ICBM” - Moon Seong-mook, cựu quan chức quân sự Hàn Quốc và hiện là nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại cho rằng Triều Tiên có thể dùng cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn như một cái cớ để tiến hành một vụ thử ICBM khác hoặc thậm chí phóng tên lửa xuống vùng biển gần đảo Guam.

“Triều Tiên có thể xem xét nước cờ tăng tối đa áp lực nhằm vào Mỹ và tập trận chung Mỹ-Hàn là một cơ hội tốt để làm điều đó” - Cheon Seongwhun, cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, nói.

Thật vậy, chưa đầy 24 tiếng trước khi liên minh Mỹ-Hàn khởi động cuộc tập trận thường niên Người bảo vệ tự do Ulchi, Triều Tiên đã bắt đầu phản ứng khi hôm 20-8 đe dọa nước này sẽ đáp trả cuộc tập trận Mỹ-Hàn bằng “đòn đánh không thương tiếc”, tuyên bố cả đảo Guam, Hawaii lẫn lãnh thổ trên đất liền của Mỹ đều nằm trong tầm ngắm.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, nói rằng cuộc tập trận quy mô lớn của liên quân Mỹ-Hàn năm nay là động thái “đổ dầu vào lửa” và là “hành động cố chấp đẩy tình hình đến giai đoạn chiến tranh hạt nhân không thể nào kiểm soát”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm