Việc dẫn độ quốc tế thường gặp một số khó khăn vì đan xen những yếu tố chính trị, ngoại giao và thể diện quốc gia phức tạp. Một số vụ bất đồng về dẫn độ từng gây chấn động thế giới đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Nhà sáng lập WikiLeaks
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange hồi tháng 6-2012 xin tị nạn chính trị và từ đó cư trú ở Đại sứ quán Ecuador tại thủ đô London, Anh nhằm tránh bị dẫn độ về Thụy Điển, nơi ông bị cáo buộc tội quấy rối tình dục. Ngoài ra, ông cũng lo ngại có thể tiếp tục bị chính quyền Mỹ bắt giữ vì đã đăng tải nhiều tài liệu mật của các cơ quan ngoại giao và quân sự Mỹ.
Động thái này khi đó dẫn đến căng thẳng giữa Ecuador và Anh do London khẳng định sẽ thực hiện “đúng nghĩa vụ” dẫn độ ông Assange sang Thụy Điển, bất chấp quyết định của Ecuador. Thụy Điển cũng từng triệu tập đại sứ Ecuador ở Stockholm để yêu cầu giải thích về quyết định của Tổng thống Ecuador Rafael Correa.
Đầu năm nay, Tổng thống Rafael Correa tiếp tục khẳng định sẽ cho ông Assange tị nạn tới khi nào ông còn muốn ở lại. Đến tháng 5-2017, với sự chiến thắng của ông Lenin Moreno, ứng cử viên thuộc đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Ecuador, nơi cư trú cho nhà sáng lập WikiLeaks trong Đại sứ quán Ecuador ở London một lần nữa được đảm bảo.
Mặc dù vụ kiện về cáo buộc quấy rối tình dục đã bị bãi bỏ, song cảnh sát Anh cho biết ông Assange vẫn sẽ bị bắt giữ nếu rời khỏi Đại sứ quán Ecuador vì đã vi phạm các điều kiện về bảo lãnh. Trong khi đó, chính phủ Ecuador cho biết sẽ tăng cường nỗ lực để đưa ông Assange rời khỏi đại sứ quán và chấp thuận cho ông đến nước này tị nạn.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nguyên nhân lớn nhất khiến cựu lãnh đạo WikiLeaks không rời khỏi đại sứ quán là sợ bị dẫn độ về Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions từng khẳng định việc bắt giữ ông Assange vẫn là một ưu tiên lớn nhất. Nếu bị kết án ở Mỹ, ông Assange có thể phải chịu mức án 45 năm tù.
Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đang tị nạn ở Nga. Ảnh: KYODO NEWS. Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange hiện cư trú ở Đại sứ quán Ecuador tại London, Anh. Ảnh: GETTY IMAGES.
Edward Snowden chạy đến Nga
Vụ việc dẫn độ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden cũng là đề tài tranh cãi giữa Nga-Mỹ suốt một thời gian dài.
Năm 2013, ông Snowden trốn sang Hong Kong sau khi rò rỉ chi tiết các chương trình giám sát điện thoại và Internet của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Cựu tình báo Mỹ sau đó bí mật đến Nga và được phép tị nạn, bất chấp sự phản đối của Washington. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần yêu cầu phía Nga dẫn độ Snowden về nước để xét xử, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ không chấp thuận yêu cầu này bởi vì “người tố giác không phải là một tội phạm”.
Ông Snowden đầu năm ngoái được gia hạn cư trú ở Nga đến năm 2020. Theo Luật Quốc tịch Nga, một người có thời gian lưu trú tại Nga ít nhất năm năm có thể được nhập quốc tịch. Do đó, ông Snowden hoàn toàn có khả năng trở thành công dân Nga nếu không vi phạm luật pháp nước sở tại. Cho tới nay, nơi ở của ông Snowden tại Nga vẫn được giữ bí mật.
Hãng tin NBC News của Mỹ hồi tháng 1-2017 dẫn nguồn tin tình báo cho hay Nga đang xem xét khả năng trao trả ông Snowden cho Mỹ như là một “món quà” dành tặng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ khả năng này, tuyên bố những tin đồn về việc dẫn độ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden là âm mưu gây áp lực với Nhà Trắng từ phía các đối thủ chính trị.
Chiến dịch “săn cáo” của Trung Quốc
Những năm qua, không ít quan chức, doanh nhân Trung Quốc đào tẩu đến Mỹ, Canada để trốn án do cả hai nước này đều không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
Năm 2015, doanh nhân Yang Jinyun, một trong 100 tội phạm kinh tế bị truy nã gắt gao của Trung Quốc, bị đưa từ Mỹ về Bắc Kinh, đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Mỹ đồng ý dẫn độ một nghi phạm Trung Quốc về nước.
Trước đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từng rơi vào căng thẳng khi Washington từ chối yêu cầu hồi hương ông Lệnh Hoàn Thành, em trai của ông Lệnh Kế Hoạch - cố vấn hàng đầu của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ông Lệnh Hoàn Thành, người được cho là nắm giữ nhiều bí mật quốc gia của Trung Quốc, hiện vẫn sống ở Mỹ, trong khi ông Lệnh Kế Hoạch đang chịu án tù chung thân tại Trung Quốc về tội nhận hối lộ, đánh cắp bí mật quốc gia và lạm quyền.
Trước đó, một trường hợp khác đào tẩu thành công sang Canada là ông Lại Xương Tinh, doanh nhân Trung Quốc được mệnh danh là “vua buôn lậu” với những thương vụ trị giá nhiều tỉ USD. Sau nhiều năm căng thẳng và nỗ lực của Trung Quốc, năm 2011 Canada đồng thuận dẫn độ nghi phạm này về nước với điều kiện Bắc Kinh sẽ không tuyên án tử hình y. Lại Xương Tinh sau đó bị tòa án Trung Quốc tuyên án tù chung thân và tịch thu toàn bộ tài sản.
Pháp năm 2016 lần đầu tiên cho phép dẫn độ một quan tham Trung Quốc bị truy nã, sau nhiều nỗ lực vận động của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Paris cũng là một trong những quốc gia đầu tiên của Liên minh châu Âu ký hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh từ năm 2015, trong khi nhiều quốc gia khác còn chần chừ do lo ngại tính toàn vẹn của hệ thống pháp lý và sự ngược đãi của chính quyền Trung Quốc đối với các tù nhân.
Singapore quy định thế nào về trục xuất? Hiện tại Đạo luật Nhập cư năm 2008 của Singapore quy định tại Điều 35 rằng: Bất cứ người nào có lý do để bị trục xuất khỏi Singapore theo đạo luật này đều có thể bị bắt giữ bởi bất kỳ quan chức nhập cư nào nói chung hay người được cơ quan kiểm soát ủy quyền hoặc một cảnh sát. Người này có thể bị giam giữ trong bất kỳ nhà giam, đồn cảnh sát hoặc trụ sở quản lý nhập cư nào trong thời gian không quá 14 ngày tùy thuộc vào quyết định có ra lệnh trục xuất người đó hay không. Về đối tượng có thể bị trục xuất, đạo luật này quy định bao gồm các đối tượng: Người “nhập cảnh bất hợp pháp, có ý định nhập cảnh bất hợp pháp hoặc lưu trú bất hợp pháp tại Singapore” và người “từng bị trục xuất khỏi Singapore nhưng trở lại và cư trú ở Singapore mà không có giấy phép bằng văn bản của cơ quan kiểm soát”. Đạo luật cũng quy định hành động trục xuất đối với một số trường hợp vi phạm luật pháp tại Singapore hoặc hiện diện bất hợp pháp tại Singapore. Dù vậy, quy định về các tội trên tại Singapore lại khá rộng. Điều 8 của Đạo luật Nhập cư quy định về “người nhập cư bị cấm” bao gồm các sai phạm như việc người nhập cảnh khai báo sai với cơ quan xuất nhập cảnh, môi giới mại dâm cho đến có bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho cộng đồng. Ngoài ra, quy định còn bao gồm đối tượng “theo quy định của luật hiện hành phải có giấy tờ đi đường có hiệu lực nhưng lại không có các giấy tờ này hoặc có giấy tờ giả mạo, hoặc giấy tờ đã bị sửa đổi, hoặc giấy tờ không tuân thủ đúng luật thành văn”. Những người từng bị kết án tù ở một quốc gia khác cũng nằm trong danh sách “người nhập cư bị cấm”. Đạo luật không đề cập đến đối tượng bị chính phủ một nước khác truy nã. Những quy định về điểm đến đối với người bị trục xuất khỏi Singapore cũng rất rộng. Theo Đạo luật Nhập cư của Singapore, một người bị trục xuất có thể bị trả về quốc gia nơi người đó đã khởi hành để đến Singapore hoặc nơi sinh, đất nước người đó mang hộ chiếu hoặc một nơi nào đó do cơ quan kiểm soát quyết định. |