Ông tâm sự vì sự quyết liệt ấy có lần ông nhận phải những tin nhắn đe dọa, chửi bới bằng những ngôn từ vô cùng khiếm nhã. Thế nhưng trước sức tàn phá của tham nhũng với đất nước, ông một mực khẳng định rằng: “Còn sống là còn chống tham nhũng!”.
Rõ ràng tham nhũng là một nguy cơ, các cấp lãnh đạo từ cao nhất trở xuống đều nhận thấy và quyết tâm ngăn chặn nguy cơ ấy. Tuy nhiên, không phải bất kể ai cũng có thể biến quyết tâm ấy thành hành động và hành động đến cùng.
Trước những ý kiến còn lo ngại và do dự, tại cuộc họp của Ban Bí thư hôm qua (10-4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mạnh mẽ nói: “Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Phát biểu như là mệnh lệnh này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một mặt vừa khuyến khích những người có trách nhiệm phải chống tham nhũng bằng hành động cụ thể, mặt khác cũng cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng thực sự rất cam go như thực tế đang diễn ra.
Dư luận chắc không quên những gương sẵn sàng đương đầu với rất nhiều áp lực, gian nan để chống tiêu cực tham nhũng như trường hợp của một nữ cán bộ ở Cà Mau hay hai lão nông chống tham nhũng ở Bắc Ninh… Dư luận cũng không quên lời của Tổng Bí thư nói chống tham nhũng khó vì “ta tự đánh vào ta”. Và cả lời khẳng định của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, hồi tháng 3-2016 rằng: “Tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn… Chúng tôi chống lại có khi “chết” trước”.
Phải, bởi vì chống tham nhũng là chống những người có chức vụ, quyền hạn… với đầy đủ công cụ trong tay nên cuộc chiến chống tham nhũng thực sự là vô cùng cam go, khó khăn và nguy hiểm. Cuộc chiến ấy không cân sức bởi những người chống tham nhũng ngoài nhiệt huyết thì chỉ còn một công cụ nữa là sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng điều trớ trêu là những người tham nhũng, như lời ông Đạt, là những người có chức vụ, quyền hạn. Pháp luật nghiêm minh hay không lại có lúc còn tùy thuộc vào họ. Đúng như đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng cảnh báo tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về một nghịch lý đau lòng rằng: Có khi “người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại…”.
Nhưng thực tế cho thấy cuộc chiến trước tham nhũng chưa bao giờ dừng lại. Bởi nếu như Đảng đã xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa chế độ, làm hao mòn nguồn lực quốc gia, làm tha hóa xã hội… thì hơn lúc nào hết, cuộc chiến chống tham nhũng cần những người không nhụt chí.
Bởi như Tổng Bí thư nói về khó khăn trong chống tham nhũng, ngoài nguyên nhân khách quan… thì vẫn có nguyên nhân chủ quan là sự chưa quyết liệt của người đứng đầu, vẫn còn tình trạng làm qua loa, đối phó, chưa thực sự cầu thị…
“Nhụt chí thì đứng sang một bên” - lửa trong tinh thần phải trở thành phương châm mới trong cuộc chiến chống tham nhũng nói chung và cải cách nói riêng.