Những ngày cuối tuần qua, nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Namđã tổ chức một chương trình hết sức ý nghĩa mang tên “Ẵm rùa con ra biển lớn”, thu hút đông đảo các gia đình có con nhỏ tham gia. Chương trình được tổ chức ở bãi biển thuộc VQG Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), nơi duy nhất tại đất liền Việt Nam mà rùa vẫn thường xuyên lên đẻ.
Rùa con về với biển
Từ 5 giờ sáng, khoảng 40 gia đình đã cùng nhau di chuyển về phía bãi biển bằng đường núi để thả những chú rùa về với biển. Đường đi xuống biển dốc, nhiều đoạn trơn trượt nên hầu hết các em nhỏ đều cảm thấy sợ sệt, đòi bố mẹ bế trên tay. Nhưng khi ra đến bãi biển, được tận tay sờ vào mai những chú rùa, các em đều háo hức lắm.
Trẻ nhỏ háo hức vô cùng khi được tận tay ẵm rùa con trên tay. Ảnh: THANH TUYỀN
Lần đầu được tận tay chạm vào mai những chú rùa con, nhiều em tinh nghịch chơi đùa với rùa, nhưng cũng có em tỏ ra sợ sệt, thấy chú rùa con nhỏ xíu bò ra là hét toáng lên, không dám bắt bỏ lại vào trong hũ mà phải nhờ bố mẹ.
Thấy chú rùa con bò ra khỏi hũ nhựa, ban đầu Lan Anh hơi sợ, nhưng chỉ vài phút sau đó, cô bé mê ngay nhưng người bạn mới. “Nó nhỏ xíu à, nhìn cưng lắm, vừa tay con luôn nè. Đáng yêu quá chừng” - Lan Anh cười sảng khoái.
Cạnh đó, Nhật Nam (9 tuổi) đang mải miết chơi với những chú rùa con. Nam bắt chú rùa nhỏ lên rồi quan sát rất kỹ, đặt câu hỏi liên tục. “Nhìn con rùa đẹp quá chừng, cái mai rùa màu đen đẹp quá, thích lắm” - Nam háo hức.
Còn Minh Anh (9 tuổi) và Hồng Anh (7 tuổi) cùng mẹ tham gia chuyến đi thì tâm sự: “Con thích được ẵm con rùa trên tay vì nó đẹp lắm. Lâu nay ở thành phố con chỉ nghe con rùa mà có biết nó ngoài đời như thế nào đâu. Con rất thích".
Những cô bé, cậu bé thành phố sau vài phút tỏ ra sợ sệt đã rất thích thú với những chú rùa con. Ảnh: THANH TUYỀN.
Sau khi chơi với những chú rùa con, các em đã thả chúng về với biển theo cách tự nhiên. Các em chỉ đứng bên, nhìn những chú rùa con bò trên cát hướng về phía biển rồi hòa mình vào dòng nước. Không ít em đã hò hét, cổ vũ, dặn dò những chú rùa: “Chào rùa, rùa về với biển ngoan nhé. Chúc mừng...".
Anh Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học đồng thời là người đứng ra thành lập nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam, cho biết từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, rùa mẹ sẽ lên bờ đẻ trứng. Trứng rùa sẽ phải mất từ 48 đến 55 ngày nữa mới nở ra rùa con.
Theo anh Trung, sở dĩ anh cùng nhân viên của VQG Núi Chúa tổ chức những hoạt động thả rùa như vậy vì muốn những đứa trẻ có thể trở về, gần gũi và sống chung với thiên nhiên nhiều hơn nữa. Từ đó các em nhỏ sẽ hiểu rõ giá trị của loài rùa, có thêm kiến thức về các hiện tượng tự nhiên của rùa, góp phần bảo vệ loài rùa biển quý hiếm này.
Những chú rùa con được thả về với biển... Ảnh: THANH TUYỀN.
Lời cảm ơn từ những lá thư tay
Chuyến đi kéo dài ba ngày là những trải nghiệm thực tế bổ ích dành cho các em nhỏ. Ngay sau khi trở về nhà, các em đã viết những lá thư tay bày tỏ sự cảm ơn đến các nhân viên của VQG Núi Chúa. Dù câu chữ trong những lá thư còn chưa tròn trịa, rành mạch, còn mắc lỗi về dấu câu nhưng đó là những cảm nhận hết sức dễ thương về chuyến đi, về những điều mà các em học được trong mùa hè này.
“Đây là lần đầu tiên con được tham gia sự kiện này. Con đã phân biệt được các loại rùa và biết có năm loài rùa ở Việt Nam đang nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ. Con rất vui khi được cùng các bạn khác đưa những em rùa xanh với các mai rùa màu đen bóng thật đáng yêu ra biển lớn thật an toàn, không bị những con thú ăn thịt. Con mong sao những em rùa này sẽ trở thành những chiến binh Ninja rùa có thể tự bảo vệ mình và có thể bơi vào nơi chúng được thả ra...”, Nhật Nam viết trong thư.
Đồng thời Nhật Nam cũng không quên gửi lời cảm ơn: “Con xin gửi lời cám ơn đến bác Trung, chú Minh, các bác các chú ở Vườn quốc gia Núi Chúa cùng các cô chú tình nguyện viên đã rất tận tâm giới thiệu, hướng dẫn chúng con trong chuyến đi “Ẵm rùa con ra biển lớn vừa qua”.
Những bức thư tay của các em nhỏ gửi đến các nhân viên của vườn quốc gia Núi Chúa sau chuyến đi. Ảnh: THANH TUYỀN.
Còn Thanh Hưng (9 tuổi) thì viết: “Chuyến đi thả rùa thật là tuyệt vời!!! Con mất rất nhiều kiên nhẫn mới tới được nơi này... Nhìn nhiều con rùa rất dễ thương và khi đi leo núi để tới biển thì quá cực khổ, khi đi, mình không cẩn thận thì bị té trầy xước rất đau, và mình đã dũng cảm đi tiếp. Và khi đi thả rùa xong thì về đi học có năm loài rùa. Và thi để nhận giấy chứng nhận...”.
Bảo Anh thì gọi những chú rùa là “rùa em”, “rùa mẹ”. “Con rất vui vì được chơi với rùa em. Con rất thương rùa em. Vì rùa em còn nhỏ xíu mà phải một mình bơi ra biển. Con còn được đi thăm rùa mẹ. Con rất thương rùa mẹ. Vì rùa mẹ phải bò lên bãi cát để đẻ trứng. Con còn được bác Trung dạy cho học về tất cả các loài rùa trên thế giới, và được biết thêm là cứ một ngàn em rùa bơi ra biển thì chỉ có một em lớn lên để quay về đẻ trứng. Con muốn mọi người đừng bắt cóc rùa em và rùa mẹ mang về làm thịt ăn vì làm như vậy sẽ làm loài rùa bị tuyệt chủng”, Bảo Anh viết.
Bức thư cảm động mà câu bé Nghĩa, một trẻ tự kỷ đã gửi cảm ơn chương trình.
Viết thư để bày tỏ sự cảm ơn đến các nhân viên của VQG, nơi đã tạo điều kiện để các em có thể học hỏi được nhiều hơn là điều mà anh Phùng Mỹ Trung luôn dặn dò và nhắc nhở các em nhỏ. Đó như là một động lực, là món quà ý nghĩa để các anh thêm bền chí với công việc bảo tồn của mình và cũng là cách để các em tự rèn cho mình sự lễ phép, tử tế từ những điều nhỏ như vậy...