Giáng sinh năm nay diễn ra một ngày sau sinh nhật của nhà tiên tri Mohammad. Theo The Economist, Đấng tiên tri Muhammad kêu gọi các nhà thờ Công giáo, đền thờ, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi giáo và tu sĩ cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, dưới sức ép của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - những kẻ mượn danh thánh thần để giết người trục lợi, Giáng sinh của những người theo đạo Thiên chúa ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt như điểm nóng Pháp, Iraq… sẽ càng thêm ảm đạm.
Người Pháp chưa qua “cơn ác mộng”
Truyền thông phương Tây từ suốt tháng 11-2015, sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris (Pháp) và những lời đe dọa của IS đến các thành viên châu Âu, đã dệt nên một bức tranh xám xịt về lễ Giáng sinh lẫn các chương trình chào đón năm mới - các sự kiện truyền thống thu hút đông đảo người dân tham gia. Nước Pháp có lẽ là cái tên mà IS... hài lòng nhất trong năm qua sau hàng loạt vụ tấn công chấn động khiến không ít người chết và nỗi lo về phiến quân cờ đen lan tỏa khắp nơi.
Theo Wall Street Journal, công dân tại thủ đô Paris đến tận ngày cận kề Giáng sinh vẫn chưa qua cơn sốc sau vụ thảm sát hôm thứ Sáu 13-11 vừa qua. Hội chợ Giáng sinh trên đại lộ Champs-Élyseés đã được mở cửa trở lại nhưng chính quyền TP đã quyết định hủy bỏ các chương trình truyền thống được tổ chức trên đại lộ nổi tiếng của thế giới để bày tỏ sự tôn trọng với các nạn nhân. Ngoài các khu chợ bị đóng cửa để đảm bảo an ninh, thị trường Giáng sinh Pháp cũng rơi vào trầm lặng. Hình ảnh những đoàn người đứng dưới tiết trời lạnh, xếp thành hàng dài trước các khu mua sắm Giáng sinh những năm trước đây giờ chỉ còn trong hồi ức của người Pháp. Đức Giáo hoàng Francis nói rằng: “Giáng sinh đang đến gần. Sẽ có đèn, tiệc tùng, cây Noel phát sáng cùng với cảnh Chúa giáng sinh. Nhưng tất cả chỉ là huyễn hoặc vì thực tế thế giới vẫn chìm trong chiến tranh”.
Chính quyền Pháp tiến hành khẩn trương các biện pháp tăng cường an ninh tại các nhà thờ vì nỗi lo đó sẽ là mục tiêu của những tên khủng bố. “Các nhà chức trách lo ngại bọn khủng bố sẽ tận dụng nỗi ám ảnh thứ Sáu ngày 13 vừa qua vẫn còn trong lòng người dân Pháp sẽ tiếp tục tung ra các đòn tấn công vào các nhà thờ - nơi người dân Pháp sẽ kéo đến để dự lễ Giáng sinh” - tờ The Local (Pháp) cho hay. Kênh Radio Europe 1 dẫn lời quan chức Pháp nhận định “những cuộc tấn công vào lễ Giáng sinh sẽ tạo ra giá trị to lớn về mặt biểu tượng đối với bọn khủng bố”. Cảnh sát Pháp đưa ra một báo cáo dài ba trang về việc tăng cường an ninh tối đa mùa Giáng sinh. Theo cảnh sát, tất cả hành vi bất thường hay sự hiện diện của các cá nhân tình nghi, những chiếc xe đậu gần nhà thờ đều được cảnh sát chú ý. Ngoài ra những người tham dự lễ Giáng sinh tại các nhà thờ đều được yêu cầu kiểm tra áo khoác và túi xách trước khi họ vào bên trong thánh đường, đặc biệt là vào đêm 24-12, rạng sáng 25-12.
Cảnh sát Đức tiến hành siết chặt an ninh tại các khu chợ Giáng sinh - nơi được người dân lẫn du khách nước ngoài ưa chuộng tham dự hằng năm. Ảnh: AP
Người Đức và châu Âu “ám ảnh” nước Pháp
Tờ Wall Street Journal mô tả những người khách đặt chân đến các chương trình hội chợ Giáng sinh truyền thống tại châu Âu, như Đức chẳng hạn, để bày tỏ một nỗi buồn và thất vọng vô cớ. Các TP của khắp châu Âu đều được thắt chặt an ninh để đảm bảo an toàn cho mùa Giáng sinh sau sự kiện thứ Sáu ngày 13 vừa qua. Thậm chí có nhiều khu chợ Giáng sinh đã bị buộc đóng cửa vì thiếu an toàn.
Hans-Peter Arens, một người Đức tổ chức chợ Giáng sinh, buồn bã : “Chúng tôi muốn mọi người cùng nhau đến các phiên chợ Giáng sinh nhưng ai nấy đều lo âu”. Vị này nói thêm chợ Giáng sinh Dortmund Christmas vốn thu hút hơn 3,5 triệu người tham gia mỗi năm nhưng năm nay “an toàn hầu như không hề hiện diện tại các khu chợ”. Đối với nhiều người Đức, Giáng sinh là dịp để mọi người có thể uống rượu say sưa với người thân, bạn bè hay đồng nghiệp - đó là truyền thống. Thị trường Giáng sinh gồm khoảng 2.500 chợ, thu hút hơn 50 triệu người tham dự mỗi năm. Chỉ riêng thủ đô Berlin đã có đến 60 chợ hoạt động theo mùa hay ngày lễ.
Hầu hết chương trình chợ lễ hội nói chung và chợ Giáng sinh nói riêng đều rất lớn, được tổ chức trong không gian rộng, bố trí theo kiểu mê cung, không phải không gian kín như sân vận động nên công tác quản lý an ninh là cực kỳ khó khăn cho lực lượng giám sát. Nỗi lo khủng bố sau đợt “tắm máu Paris” hồi tháng 11-2015 đã khiến người dân Đức lo sợ một vận mệnh xấu xí tương tự. Ngay cả khi các quan chức an ninh Đức khẳng định rằng họ không tìm thấy các nguy cơ khủng bố cụ thể nào thì tình trạng báo động đỏ khủng bố dường như vẫn thường trực trong đầu nhiều người dân.
Thực tế các hội chợ Giáng sinh đã bị lực lượng khủng bố “ngắm nghía” từ lâu, thế nên các ngành chức năng buộc phải tăng cường các hoạt động phòng ngừa. Tại Nuremberg (Đức), cái nôi nổi tiếng của các ngôi chợ Giáng sinh thu hút đông đảo khách du lịch đến từ Mỹ và châu Âu, lực lượng cảnh sát được tăng cường thấy rõ. Tại Berlin, nơi chợ Giáng sinh cũng rất phổ biến, chính quyền ra quyết định cấm người tham dự mang vác túi xách hay vali lớn, đồng thời tiến hành kiểm tra an ninh ngay lối ra vào.
Niềm vui không trọn vẹn
Tại châu Á, đặc biệt khu vực Trung Đông, nơi những thánh đường Thiên Chúa giáo đầy ắp người tham dự mừng Giáng sinh cũng chìm trong nỗi lo khủng bố. Theo Reuters, pháo hoa sẽ được thắp sáng bên sông Tigris của Iraq mỗi đêm trong tuần lễ Giáng sinh. Cây Giáng sinh cao 25 m được dựng lên tại Công viên Zawraa. Trong khu trại tị nạn Zayuna dành cho người Thiên Chúa giáo tránh khỏi sự truy quét của IS, trẻ em vẫn được nghe các bài hát mừng Giáng sinh và nhảy với ông già Noel. Tuy nhiên, dẫu cho người Thiên Chúa giáo xúc động trước nỗ lực mừng Giáng sinh của chính quyền nhưng mọi thứ tại đây dường như đã quá tồi tệ để có thể cứu vãn.
Reuters dẫn lời Mariam, một giáo viên 29 tuổi ở Baghdad, cho biết: “Tôi thấy những cử chỉ tốt đẹp từ nhiều người trên Facebook. Điều này làm tôi thực sự hạnh phúc nhưng thực tế mọi người đang mừng Giáng sinh trước các nguy cơ khủng bố từ IS”. Cô giáo này cho biết thêm: “Những người Thiên Chúa giáo đã rời khỏi Iraq và không muốn quay trở lại khuyên chúng tôi hãy rời đi. Họ nói ngay cả khi chúng tôi có thể vượt qua được thử thách này thì cũng sẽ không thể vượt qua thử thách kế tiếp”.
Nhóm khủng bố IS đã quét qua một phần ba lãnh thổ của Iraq vào năm 2014 với tham vọng xây dựng một đế chế Hồi giáo tự xưng. IS đã buộc 200.000 người Thiên Chúa giáo phải rời bỏ các khu vực phía bắc Nineveh. Số phận của những người theo đạo Thiên Chúa ở Iraq ngày càng bấp bênh kể từ khi chế độ độc tài Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003. Các nhà thờ Thiên Chúa giáo suốt trong những năm qua luôn là mục tiêu của các vụ đánh bom khủng bố.
Chợ Giáng sinh: Người tận hưởng, kẻ lo âu Năm 2000, cảnh sát Pháp và Đức đã chặn đứng một âm mưu khủng bố đánh bom chợ Giáng sinh ở Strasbourg (Pháp). Năm 2010, Đức cảnh báo dân chúng cao độ về khả năng khủng bố tấn công chợ Giáng sinh. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière, mọi người vẫn đến tham gia các chợ Giáng sinh. Họ không muốn vắng mặt tại chợ Giáng sinh vì tin mọi thứ sẽ tốt đẹp. “Năm nay nhiều người vẫn như vậy. Chúng tôi không muốn thay đổi thói quen hay tập quán này” - Maizière cho hay. Tuy nhiên, một số người dân Đức vẫn bày tỏ sự lo lắng, cho rằng không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, nhất là khi chợ Giáng sinh đang là mục tiêu ưu tiên của khủng bố ngày càng hoành hành. Người Thiên Chúa giáo “ám ảnh” IS IS tung ra các cuộc đàn áp Thiên Chúa giáo khắc nghiệt và tồi tệ nhất kể từ khi nhà nước Iraq hiện đại được thành lập. Số người đạo Thiên Chúa bị bắt cóc, giết chết, bỏ nhà cửa tăng cao. Số lượng nhà thờ bị đánh bom từ năm 2004 tăng nhanh không đếm xuể. Nếu như năm 1997 có 1,3 triệu người đạo Thiên Chúa ở Iraq thì đến nay chỉ còn 650.000 người. Nếu điều kiện sống của họ bình thường thì lẽ ra con số này phải là hai triệu người. |