“Nếu không có hành lang pháp lý thì dự báo trong năm năm tới thị trường condotel sẽ rất khó khăn, thậm chí bị... vỡ trận”. đây là nhận định của một số chuyên gia được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel” do báo Diễn đàn Doanh Nghiệp tổ chức ngày 27-2.
Cần có dữ liệu về condotel
Thông tin tại tọa đàm, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhận định thị trường condotel còn rất nhiều tiềm năng với các điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là các điều kiện tự nhiên ưu đãi cho du lịch biển, du lịch núi, nền văn hóa đặc sắc... “Điều quan trọng là cần rút kinh nghiệm từ những thành công của mô hình tương tự đi trước của thế giới” - ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, nhận định.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết tiềm năng phát triển du lịch đã được thấy rõ. “Tuy nhiên, phải chăng tốc độ quy hoạch còn yếu so với tăng trưởng của ngành du lịch?” - ông Võ đặt câu hỏi và dẫn chứng một số nơi dư địa phát triển du lịch tốt nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa tương xứng như Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn, Quảng Ngãi…
Tiếp cận ở khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng chúng ta hô hào phấn đấu đạt tăng trưởng du lịch cao nhưng lại chưa có số liệu về phát triển condotel nói riêng. Trong khi doanh nghiệp cần dữ liệu để quyết định đầu tư, địa phương cần dữ liệu để quyết định cấp phép cho các dự án.
Ông Huế rút ra ba điều từ những mập mờ về pháp lý và quản lý khai thác như hiện nay. Một là nhà đầu tư thứ cấp thua thiệt, hai là Nhà nước thua thiệt, ba là chỉ có chủ đầu tư (CĐT) hưởng lợi. Như vậy, phát triển loại hình này rất khó bền vững.
“Dự án condotel có cam kết cao nhưng có nhiều nhà đầu tư không có năng lực thực thi dự án. Nếu không có hành lang pháp lý thì dự báo trong năm năm tới thị trường condotel sẽ rất khó khăn, thậm chí bị vỡ trận. Hơn nữa, cũng vì thành tích kêu gọi đầu tư cho địa phương, sức ép ngân sách, các tỉnh cấp phép bừa dự án, đẩy nhà đầu tư vào tình thế bị đem con bỏ chợ. Vì vậy, bắt buộc phải làm rõ khung pháp lý cho mô hình BĐS này” - ông Huế nhấn mạnh.
Tổ hợp dự án condotel tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Giao dịch condotel dần khởi sắc
Nêu ý kiến tại tọa đàm, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL, cho biết condotel là khái niệm chưa có trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
“Chính vì vậy, những câu hỏi liên quan như tên gọi, cách sử dụng như thế nào… đều chưa có ranh giới rõ ràng” - ông Thanh nói.
GS Đặng Hùng Võ lại cho rằng không cần quá bận tâm đến tên gọi là condotel hay căn hộ du lịch mà cần xem xét đến bản chất của BĐS du lịch. Đó là loại hình BĐS đa công năng, đa mục đích.
“Điều cần quan tâm là việc sử dụng đất và công năng của một công trình xây dựng được quy định trong Luật Đất đai vẫn chưa rõ. Trong khi trên thực tế các mô hình rất đa dạng, cần sự linh hoạt trong quản lý nhưng khung pháp lý hiện nay còn quá chật” - ông Võ nêu ý kiến.
Từ đó, ông Võ kiến nghị: “Chúng ta cần nới rộng chiếc áo pháp luật để thúc đẩy phát triển du lịch. Mục tiêu của luật pháp là để ổn định chính trị và phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn”.
Ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Alpha Real, cũng chia sẻ đến nay condotel đã có một số CĐT lớn triển khai. Các nhà đầu tư cũng hồ hởi đón nhận và từng tạo ra làn sóng sốt đầu tư condotel. Tuy nhiên, khi thấy được chào đón mạnh mẽ, nhiều CĐT khác lại biến tấu condotel thành kênh huy động vốn, cam kết trả lãi cao mà không có năng lực vận hành, quản lý… dẫn tới “vỡ trận” như trường hợp của Cocobay. Điều này khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào sản phẩm, CĐT uy tín cũng bị ảnh hưởng theo.
“Bây giờ, nhà đầu tư đã chọn lọc CĐT mà không chạy theo cam kết lợi nhuận cao nữa. Nhà đầu tư cũng chuyên nghiệp hơn. Văn bản 703/2020/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ TN&MT hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư quay trở lại, chờ những dự án uy tín. Đầu năm nay, giao dịch condotel đã tốt hơn rất nhiều” - ông Sơn thông tin.