Nới ‘xét xe’, siết đăng kiểm viên

“Từ 1-1-2016, ngay sau khi xe đã được các tổ, đội đăng ký xe của CSGT cấp biển số và dù giấy hẹn trả cà vẹt chỉ đóng dấu chữ nhật thì đơn vị đăng kiểm sẽ xét xe ngay” - ông Trần Kỳ Hình (ảnh), Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR), trả lời Pháp Luật TP.HCM bên lề buổi triển khai quy định mới về việc đăng kiểm ô tô (xét xe) vào hôm qua (13-12).

Có giấy hẹn trả cà vẹt là được đăng kiểm

. Phóng viên: Bộ GTVT đặt quyết tâm cao trong cải cách hành chính trong năm 2016. Vậy quy định mới về việc xét xe (Thông tư 70/2015 có hiệu lực từ đầu năm 2016) có những thuận lợi cho người dân sâu hơn, thưa ông?

+ Ông Trần Kỳ Hình: Thông tư 70/2015 tạo thuận lợi hơn cho chủ, lái xe khi thực hiện các thủ tục, quy trình xét xe. Ví dụ, theo quy định cũ, chỉ khi chủ xe có giấy chứng nhận đăng ký xe (có cà vẹt) hoặc giấy hẹn có dấu tròn của cơ quan CSGT thì đơn vị đăng kiểm mới xét xe. Tuy nhiên, theo quy định mới, ngay khi có giấy hẹn trả cà vẹt của phía CSGT thì cơ quan đăng kiểm phải giải quyết, xét xe.

. Với xe ô tô nhập khẩu đi lập hồ sơ và xét lần đầu thì chủ xe có phải xuất trình giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu như trước không?

+ Không. Đơn vị đăng kiểm sẽ căn cứ dữ liệu của Bộ GTVT, Chính phủ để kiểm tra. Việc này giúp làm giảm giấy tờ đầu vào cho đơn vị đăng kiểm và quan trọng hơn là tránh cho chủ xe bị làm khó khi mất mát giấy tờ. Ngoài ra, điều này còn loại trừ được tình trạng sửa chữa giấy chứng nhận nhập khẩu, chỉnh đồng hồ, hạ số kilomet… nhằm lừa khách hàng để trục lợi và qua mặt cơ quan chức năng.

. Chủ xe ở TP.HCM nhưng xe nhập về ở Đà Nẵng hoặc Hải Phòng và ngược lại thì có phải đưa xe về mới được đăng kiểm như lâu nay?

+ Hồ sơ xe, việc kiểm định xe có thể thực hiện được ở bất cứ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước chứ không cần thiết phải đưa xe về nơi cư trú mới lập hồ sơ, kiểm định xe.

Hệ thống gầm, lái, thắng phải được kiểm, xét kỹ dù là xe mới. Ảnh: LƯU ĐỨC

Không “soi xe” máy móc

. Lâu nay người dân khi đưa xe đi xét đều than phiền là bị “soi”, “xét” đến từng con ốc, vết sơn bị xước… Điều này có lặp lại ở quy định mới không, thưa ông?

+ Thông tư 70 phân định ba mức hư hỏng không quan trọng, quan trọng và nguy hiểm (xem thêm ở box) để phục vụ việc xét, cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định. VR đã phân định và phổ biến rõ đến các đơn vị căn cứ vào hạng mục, nội dung và số khiếm khuyết này mà áp dụng, xét ở từng loại xe cũ, mới. Ví dụ, với các xe mới thì các vết xước sơn, móp thùng trong quá trình vận chuyển sẽ được nhắc nhở chủ xe khắc phục sau khi được cấp giấy và tem. Ngoài ra, với xe mới thì chỉ cần quan sát có dấu hiệu thay đổi ở thùng, cabin không chứ không nhất thiết phải đo kỹ kích thước dài, ngang, cao như trước đây. Chả ông nào mua xe mới mà lại sửa thùng, cabin, buồng lái cả.

. Nhưng với hệ thống lái, thắng, gầm, cầu… thì vẫn phải xét kỹ dù là xe mới?

+ Đây là những hệ thống, chi tiết quan trọng liên quan đến an toàn của xe (như hệ thống thắng) khi lưu thông nên phải “soi”, dù là xe mới. Thực tế, nhiều xe mới để trong kho, lưu bãi hoặc khi vận chuyển bị hư hỏng hoặc không được chăm sóc kỹ nên có thể bị hư hỏng khi đưa vào lưu thông. Chẳng hạn, xe mới để trong bãi lâu ngày nên thắng bị ngấm nước có thể bị bó, không ăn.

Xử nghiêm đăng kiểm viên dễ dãi

. Trong 57 hạng mục, 103 nội dung kiểm tra có nhiều hạng mục, nội dung khi xe được xét bằng cảm quan… nên có thể có đăng kiểm viên không kiểm mà vẫn cho qua. Vậy điều này được xử lý thế nào?

+ Đúng là có những trường hợp như thế. Ví dụ, có ông không chui xuống coi khung gầm xe, không đếm số lá nhíp, gõ búa, lắc tay để xét xem nhíp có bị mòn, gãy không hoặc thang lái có bị rơ không… nhưng vẫn công nhận xe đạt. Chúng tôi đã phát hiện ra những trường hợp như thế nhờ hệ thống camera lắp ở các trạm kiểm xe và đường truyền mạnh nối về VR. Hệ thống này sẽ được nâng cấp hơn nữa để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp dễ dãi.

. Nhưng nếu chỉ dựa vào hệ thống camera thì liệu có đảm bảo việc xét xe được thực hiện khách quan, không gây khó quá mức hoặc dễ dãi bất thường trong việc xét xe, thưa ông?

+ Không chỉ có camera. Chúng tôi vẫn duy trì và tới đây còn đẩy mạnh hoạt động của những tổ, đội, đoàn kiểm tra bí mật, bất ngờ và phục ở các đơn vị đăng kiểm để phát hiện, xử lý ngay các đăng kiểm viên, đơn vị dễ dãi, kiểm xe không đúng quy trình, quy định.

. Xin cám ơn ông.

Ba mức xét xe

Theo Thông tư 70/2015, từ 1-1-2016, có ba mức xét xe

- Mức 1: Khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (mức MiD) được đánh giá là không gây mất an toàn, ô nhiễm (logo, thông tin kẻ trên cửa xe không đầy đủ, mờ; lốp dự phòng không đầy đủ; thành xe, bửng bị rách, thủng, mọt, gỉ, vỡ; ghế ngồi, giường nằm bị rách mặt đệm…) thì vẫn cấp giấy, tem và chủ xe khắc phục sau.

- Mức 2: Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MaD) là có thể gây mất an toàn, ô nhiễm thì chủ xe phải sửa mới được kiểm định lại.

- Mức 3: Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DD) trực tiếp và tức thời khi xe lưu thông như hệ thống lái bị “chết” thì chủ xe phải sửa chữa xong mới được kiểm định lại.

____________________________________

Theo thông tư của Bộ GTVT và hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau khi xét từng hạng mục, xét xong toàn xe thì đăng kiểm viên phải đánh ngay kết quả vào mạng máy tính, trưởng dây chuyền phải kết luận xe đạt hay không và ký ngay vào phiếu kiểm định để cấp giấy chứng nhận và tem cho các xe đạt.

Trên mạng truyền dữ liệu của VR có phần mềm đếm thời gian (giờ, phút) nên sẽ phát hiện ngay đăng kiểm viên, trạm nào câu giờ, làm khó chủ xe.

Ông TRẦN KỲ HÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm