Hiện thanh long Bình Thuận đang bước vào thời điểm cuối vụ. Tuy nhiên giá thanh long được thu mua tại ruộng vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm này mọi năm.
Hiện tại, giá thanh long ruột đỏ tại ruộng ở mức 30.000 đồng/kg, ruột trắng 17.000 19.000 đồng/kg. Cách đây 10 ngày, thanh long ruột đỏ có giá 60.000 đồng/kg, ruột trắng 24.000 - 25.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận giảm giá là do các thương lái trên địa bàn đã tạm ngưng thu mua vì dịp nghỉ lễ dài ngày, việc xuất khẩu thanh long đi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại hầu hết các đại lý thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam như: Gia Minh, Mười Đỏ, Lê Mơ …đã bắt đầu tạm ngưng thu mua thanh long và bắt đầu cho công nhân nghỉ lễ. Việc thương lái ngưng thu mua thanh long khiến một số nhà vườn điêu đứng vì thời điểm hiện tại thanh long đang chín rộ, nhiều nơi đành chấp nhận bán thanh long giá thấp để vớt vát số vốn đã bỏ ra.
Ông Văn Nhiêu Thanh (54 tuổi, ngụ xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) than thở “Gia đình tôi trồng hơn 800 gốc thanh long, đầu tư bao nhiêu tiền bạc công sức hy vọng thanh long cuối vụ sẽ bán được giá cao nhưng không ngờ đến thời điểm này thanh long xuống giá thấp quá, không bán thì cũng không được nhưng bán thì bị thương lái ép giá”.
Hiện tại, nhiều ruộng thanh long của người dân vẫn đang chín rộ, tuy nhiên việc thu mua thanh long tại địa phương vẫn đang cầm chừng khi
Việc trồng cây thanh long đang góp phần làm đổi đời cho hàng trăm hộ nông dân, đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh Bình Thuận là điều không cần phải chứng minh bàn cãi, Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả kinh tế đó thì việc phát triển ồ ạt cây thanh long không có qui hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế sẽ tiềm ẩn những nguy cơ mà thiệt hại, nguy cơ bị giới thương lái lợi dụng, ép giá là khó tránh khỏi.
Theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, sở dĩ giá thanh long tăng cao đột biến là do khan hiếm thanh long trong khi các doanh nghiệp và thương lái liên tục tranh giành, lùng mua để bán. Tuy nhiên, khi mang đến biên giới, bị thương lái nước ngoài ép giá, mua lại với giá thấp hơn giá trong nước đã làm cho nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản. Vì thế các thương lái cũng chỉ biết thăm dò giá trước khi đi thu mua của người trồng thanh long. Mức giá này thường xuyên dao động lên xuống thất thường nên nhiều lúc người nông dân đành phải ngậm ngùi bán giá thấp để cứu vãn tiền vốn.
Trong số hơn 200 cơ sở thu mua thanh long trong tỉnh thì chỉ có 23 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tức là mới chỉ đạt 11%. Các kho lạnh, máy xử lý bức xạ, máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng… những yếu tố trong công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản còn ít được đầu tư, vì thế sẽ rất khó cho trái thanh long Bình Thuận xâm nhập được vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
Hiện diện tích cây thanh long ở Bình Thuận liên tục được mở rộng, vượt quá qui hoạch. Nếu như năm 2006 diện tích cây thanh long chỉ là 7.000 hecta thì sang năm 2007 tăng lên 9.000 hecta và trong năm 2013, toàn tỉnh đã trồng thêm gần 1.100 hecta, đưa diện tích toàn tỉnh hiện này đạt hơn 20.500 hecta, trong đó có 18.600 hecta đang cho sản phẩm.