Câu chuyện cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam khiến cho cuộc họp báo về tình hình CPH doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Tài chính ngày 27-9 trở nên nóng nực. Hàng loạt câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra cho đại diện Bộ Tài chính.
Tại sao Hãng phim truyện Việt Nam được định giá 0 đồng? Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho rằng đây mới là thông tin đưa ra từ đơn vị tư vấn CPH. Việc xác định giá trị doanh nghiệp bao nhiêu phải do Ban chỉ đạo CPH của bộ, ngành chịu trách nhiệm thẩm định, cụ thể là Bộ VH-TT&DL.
“Thông tin từ đơn vị tư vấn cũng chỉ là kênh tham khảo, không phải cái gì tư vấn đưa lên cũng đúng, cứ thế mà làm theo. Nếu ban chỉ đạo CPH muốn thẩm định lại giá trị doanh nghiệp một cách khách quan có thể nhờ đến cơ quan kiểm toán xem xét lại. Nhiều khi đơn vị tư vấn cứ nói doanh nghiệp lỗ nhưng biết đâu đó là lỗ giả để giảm giá trị doanh nghiệp. Đôi khi chuyện số liệu lỗ lãi nằm ở phương pháp tính toán mà thôi. Xác định giá trị doanh nghiệp có nhiều yếu tố, trong đó gồm đất đai, tài sản trên đất” - ông Tiến nói.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trả lời báo chí sáng 27-9. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Theo ông Tiến, các quy định hiện hành về CPH đều rất rõ ràng, vấn đề quan trọng là các cá nhân, đơn vị có thực hiện theo quy định hay không. Đơn vị tư vấn có vai trò quan trọng, là người am hiểu lĩnh vực, tư vấn cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước trong việc CPH. Nếu thực hiện định giá trị Hãng phim truyện Việt Nam trước khi CPH theo quy trình sẽ không có chuyện khiếu nại như hiện nay.
“Một đơn vị tư vấn giỏi cần phải am hiểu lĩnh vực, nắm rõ quy hoạch địa điểm của doanh nghiệp CPH. Cụ thể, địa điểm Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được quy hoạch làm phim hay xây cao ốc, nhà tư vấn phải xác định được và chứng minh. Để làm rõ điều này thì UBND TP Hà Nội cần đưa ra thông tin chính thức” - ông Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng nhấn mạnh đến vai trò của người lao động và tổ chức công đoàn trong quy trình thực hiện CPH doanh nghiệp. Theo quy định, khi tiến hành CPH, ban chỉ đạo CPH của bộ, ngành sẽ lấy ý kiến người lao động, tổ chức công đoàn và ban chỉ đạo CPH này phải phổ biến các thông tin để người lao động hiểu rõ và đưa ra quyết định. Nhà nước luôn tạo điều kiện để người lao động được tham gia CPH. Vấn đề đặt ra là tại sao tổ chức công đoàn và người lao động không lên tiếng trước khi thực hiện CPH?
“Liệu ban chỉ đạo CPH của Bộ VH-TT&DL có vội vàng và chưa hiểu hết tâm tư của người lao động khi CPH? Việc “ván đã đóng thuyền” sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư, người lao động và cơ quan quản lý” - ông nêu quan điểm.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay hiện nay việc thanh tra CPH Hãng phim truyện Việt Nam đang được giao cho Thanh tra Chính phủ. Việc thực hiện CPH này có đúng quy định hay không cần phải chờ đợi kết luận thanh tra. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng cũng cần làm rõ trách nhiệm khâu quản lý nhà nước trong vấn đề đất đai tại dự án này cũng như vai trò của Bộ chủ quản Hãng phim truyện Việt Nam.
“Mảnh đất số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) từ lâu đã được gắn với tên Hãng phim truyện Việt Nam nhưng khi CPH mới lộ ra nhiều vấn đề như nợ thuế, đất thuê,… Đó là trách nhiệm của các nhà quản lý đất đai ở địa phương cũng như quản lý tài sản của Bộ chủ quản” - ông nói.