. Pháp Luật TP.HCM: BLHS (sửa đổi) vừa được thông qua có một quy định đáng chú ý là không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (điểm c khoản 3 Điều 40)… Vậy với trường hợp bị kết án tử hình trước thời điểm 1-7-2016 (thời điểm BLHS sửa đổi có hiệu lực) như Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo… nếu nộp lại 3/4 số tiền tham ô thì có được áp dụng quy định này không?
+ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: Theo báo cáo hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), chúng ta thường chỉ thu hồi được từ 10% đến 30%, năm nay nhiều nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra. Trong một thời gian khá dài thì tỉ lệ này rất thấp, chỉ trên dưới 10%. BLHS (sửa đổi) có quy định trong việc phục hồi thiệt hại cho Nhà nước cho việc đó thì có thể được xem xét về hình phạt.
BLHS không có hiệu lực hồi tố. Những trường hợp xảy ra trước thời điểm bộ luật có hiệu lực thì không được áp dụng. Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì có nghị quyết của QH để giải quyết những vấn đề quá độ.
. Báo Thanh Niên: Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình khi sang thăm Việt Nam (VN) đã có bài phát biểu trước QH nước ta. Nhưng sau đó khi sang Singapore, ông Tập lại có những phát biểu mà theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao là trái với chủ quyền biển, đảo của VN. Xin ông đánh giá việc này, các ĐBQH VN có hài lòng với những phát biểu của ông Tập Cận Bình tại phòng họp Diên Hồng không?
+ Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc: Trong dịp sang thăm VN, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đề nghị đến thăm và phát biểu trước QH VN. Trong phát biểu, ông Tập đã đề cập đến việc làm sao hạn chế bất đồng, cố gắng tìm các giải pháp cấp cao, tăng cường đối thoại... Tôi nghĩ là một người đứng đầu đất nước mà đã nói thế thì chúng ta sẽ tiếp tục.
Ông ấy sang Singapore phát biểu chỉ là ở cấp độ viện nghiên cứu. Còn giữa TQ với ta là các chuyến thăm cấp cao. Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm TQ. Còn phía TQ, sau chín năm mới có một người đứng đầu sang thăm VN và phát biểu trước QH.
Như vậy là có những dấu hiệu nồng ấm trong quan hệ, cùng nhau trao đổi. Hai bên bình đẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế, trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC), kiên trì để hai nước láng giềng chung sống hòa bình, hữu nghị, cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế.
Chúng ta cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đó là việc không thể khác được.