Tốc độ tăng nợ công quá cao
Trả lời các câu hỏi của ĐBQH liên quan đến vấn đề nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: “Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng vừa qua là quá cao - 20%/năm… Bên cạnh đó, việc phân bổ, sử dụng vốn cũng có chỗ nọ chỗ kia chưa thực sự hiệu quả”.
Ông Dũng lý giải nguyên nhân khiến nợ công cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại; giá dầu thô trên thế giới biến động mạnh theo hướng giảm và chúng ta thực hiện các biện pháp miễn giảm, giãn thu cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu... Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách nhà nước tăng mạnh vì chúng ta vẫn bảo đảm giữ các mục tiêu, đặc biệt là an sinh xã hội, tiền lương theo lộ trình... Riêng về an sinh xã hội giai đoạn 2011-2015 tăng 18%/năm trong điều kiện tăng thu có 9,5%. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến bội chi cao, nợ công cao” - ông Dũng nói thêm.
Cạnh đó việc phát hành 395.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2016, cao gấp ba lần giai đoạn 2006-2010 đã gây áp lực rất lớn lên nợ công.
ĐBQH Lê Như Tiến: Làm sao để chặn đứng việc các quan chức nhà nước chạy đua nước rút thực hiện những chuyến “tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”?. Ảnh: QH
“Trong xử lý vừa qua có những thời điểm chúng ta rất khó khăn trong huy động vốn để bù đắp bội chi và trái phiếu chính phủ. Giai đoạn 2011-2013 chúng ta vay khoảng 64.000 tỉ đồng, lãi suất bình quân 10,5%/năm, có những món cao lên đến 13,2%”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin như thế và cho hay Chính phủ phải nhanh chóng tái cơ cấu khoản nợ này và phải trả cho đến hết quý I-2016.
Người đứng đầu ngành tài chính cho hay Chính phủ đã xây dựng kế hoạch vay trả nợ đến năm 2020 cũng như kế hoạch về nợ công, dựa trên dự báo các chỉ tiêu kinh tế-xã hội (tăng trưởng của giai đoạn này là 6,5%-7%, lạm phát không quá 5%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,9% theo luật hiện hành (nhưng luật mới thì dưới 4%), trái phiếu chính phủ xin phát hành 260.000, giải ngân ODA 250.000 tỉ đồng trong năm năm). “Với bài toán đầu vào như vậy, nếu chúng ta làm tốt thì nợ công đến năm 2020 chỉ còn 58,5% và đỉnh nợ vào năm 2017 là 64,3%” - ông Dũng nói.
Những chuyến “tàu vét” trước khi “hạ cánh”
Liên quan đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) mở đầu phần chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Tại các phiên họp chất vấn trong nhiệm kỳ của QH khóa XIII, nhiều ĐB đã chất vấn việc một số quan chức thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ””.
Ông Tiến liệt kê hàng loạt hành vi vi phạm thường thấy đối với những quan chức đang ở “hoàng hôn nhiệm kỳ” như hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản công thành bất động sản tư. Hay như việc đề bạt, bổ nhiệm không bình thường vào lúc “xế chiều” hàng loạt cán bộ, công chức nhằm mục tiêu vụ lợi mà công luận từng lên án thời gian qua.
Đặt thẳng vấn đề trên với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, ĐB Lê Như Tiến hỏi: “Hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, xin tổng thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của tổng thanh tra để chặn đứng việc các quan chức nhà nước chạy đua nước rút thực hiện những chuyến “tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”.
Đáp lại câu hỏi hóc búa này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng câu hỏi đó hoàn toàn chính đáng. “Đặc biệt trong thời gian vừa qua trong thực tiễn cũng xảy ra một số vi phạm trong trường hợp này…” - ông Tranh nói.
Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho hay ông sẽ lưu ý vấn đề này trong gói giải pháp phòng, chống tham nhũng thời gian tới. Một giải pháp khác mà ông Tranh cho là quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng là quy trách nhiệm người đứng đầu để kiểm soát, giám sát và thực hiện ngăn ngừa hành vi tham nhũng.
“Giải pháp thứ ba là sẽ tăng cường phát hiện thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có dấu hiệu tham nhũng qua kênh thông tin thư tố giác, tố cáo từ dư luận và báo chí…” - ông Tranh cho biết.
“Dân không đồng tình nhận viện trợ và vay từ Trung Quốc” Nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trên hầu hết lĩnh vực và đe dọa chủ quyền về kinh tế của chúng ta. Ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới, Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị. Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa sẽ tiếp tục chiếm nhiều hơn. Nhận viện trợ vay ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không? Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ bỏ phiếu không đồng ý nhận viện trợ hay vay từ Trung Quốc và cũng còn nhiều nguồn khác để vay tiền. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM |