Nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan

Trong nhiều tuần lễ cuối cùng của cuộc vận động tranh cử, bà Thái Anh Văn đã đi về như một con thoi giữa các tỉnh trên hòn đảo này để nói chuyện với các cử tri Đài Loan. Hình ảnh bà giơ cao nắm đấm lên và hô vang khẩu hiệu “Thắp sáng Đài Loan!” cũng không còn lạ lẫm trên truyền thông. Vây quanh bà luôn là những đám đông đầy phấn khích. Chào đón bà luôn là những cuộc mít-tinh rầm rộ. Từ một nữ giáo sư dạy luật tại Đài Loan, người phụ nữ với tên gọi thân mật “Tiểu Văn” đã trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan.

Cứu tinh của đảng DPP

Tân nữ lãnh đạo Đài Loan - Thái Anh Văn, 59 tuổi, là một trí thức được đào tạo từ nước Anh. Là con gái lớn nhất trong một gia đình thương gia giàu có với chín người con, “Tiểu Văn” tốt nghiệp ngành luật tại ĐH Đài Loan. Sau đó bà tiếp tục theo đuổi chương trình sau đại học ở các môi trường giáo dục rộng mở hơn và nhanh chóng gặt hái nhiều “quả ngọt”. Bà Thái đã hoàn thành bằng thạc sĩ luật ở ĐH Cornell, New York (Mỹ) và đạt được học vị tiến sĩ từ Trường Kinh tế Luân Đôn.

Bà Thái Anh Văn sau đó quay trở về Đài Loan và bắt đầu giảng dạy về luật trước khi bước chân vào con đường chính trị trong thập niên 1990. Theo tờ The Globe and Mail (Canada), các cộng sự của bà đánh giá bà ban đầu không phù hợp với chính trị. Tuy nhiên, nhờ vào sự siêng năng và khả năng tư duy sắc bén, bà đã nhanh chóng chứng minh được năng lực bản thân và dần tiến xa trong chính phủ Đài Loan. Bà được đề nghị đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao, như thành viên đàm phán đưa Đài Loan gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), cố vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia và sau đó là chủ tịch Hội đồng Các vấn đề đại lục - cơ quan quản lý các vấn đề trong quan hệ Đài Loan - Trung Quốc đại lục.

Năm 2012, bà cũng đã từng thử sức chạy đua tranh cử chiếc ghế lãnh đạo Đài Loan nhưng bất thành. Tuy nhiên, thất bại đầu tiên đó không làm bà nhụt chí. Thất bại năm 2012 của bà bị chỉ trích là do bà thiếu sự tập trung, quản lý yếu kém và phụ thuộc quá nhiều vào một nhóm cố vấn hạn hẹp. Theo tờ The Guardian, kể từ sau thất bại đó, bà Thái đã mài dũa lại những kỹ năng trước công chúng của mình, diễn tập trước cho mọi cuộc tranh luận, loại bỏ thẳng tay các vấn đề có khả năng gây phân tâm và hợp tác với thêm nhiều cố vấn. Bà cũng đồng thời mở rộng quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hợp tác giữa đảng của bà với các nhân sĩ nổi tiếng Đài Loan, giúp tăng tiếng nói cho cả bà và đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) trong các vấn đề chính trị. Chỉ bốn năm sau đó, Thái Anh Văn đã chiến thắng đối thủ Eric Chu của Quốc Dân Đảng và trở thành người lãnh đạo Đài Loan.

Với chiến thắng lần này, bà Thái đã trở thành nữ chính trị gia đầu tiên và là thành viên thứ hai của DPP lên nắm quyền lãnh đạo Đài Loan. Chính trị gia thuộc DPP lãnh đạo Đài Loan từ năm 2000 đến 2008, ông Trần Thủy Biển, đã để lại một di sản nặng nề cho đảng này với nhiều vụ bê bối tham nhũng. Tờ Quartz bình luận bà Thái Văn Anh được ca ngợi chính là nhân tố giúp vực dậy đảng DPP sau năm 2008 đầy sóng gió, khi đảng này nhận thất bại trong cuộc chạy đua tranh cử với Quốc Dân Đảng, nguồn tài chính cạn kiệt và bê bối tham nhũng của ông Trần Thủy Biển bị phanh phui. Đã có những lúc các chuyên gia đánh giá số phận của DPP đã đến hồi kết vào năm 2008. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo và ảnh hưởng của bà Thái Anh Văn, DPP đã hồi sinh và cuối cùng đạt được chiến thắng “ngọt ngào” trong năm 2016.

Bà Thái Anh Văn ăn mừng chiến thắng tại Đài Bắc vào ngày 15-1. Ảnh: AFP

Nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan ảnh 2

Những người ủng hộ của đảng DPP xúc động khi nghe bài phát biểu chiến thắng của bà Thái Anh Văn tại Đài Bắc ngày 16-1. Ảnh: GETTY

Phiên bản châu Á của nữ thủ tướng Đức?

Tờ The Globe and Mail cho biết bà Thái Anh Văn luôn xem nữ thủ tướng Đức Angela Merkel và cố nữ thủ tướng Anh Magagret Thatcher là những hình mẫu nữ chính trị gia mà mình ngưỡng mộ. Ông Gerrit van der Wees, một chuyên gia về Đài Loan đã nhiều lần gặp bài Thái tại Mỹ, cho biết bà thường xuyên so sánh bản thân mình với nữ lãnh đạo của nước Đức. Bà Thái đặc biệt ngưỡng mộ tính cách quyết đoán của bà Merkel, cũng như cách thức bà Merkel xây dựng một chính quyền cầu thị và một xã hội mở. Bà Thái cũng đánh giá quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria của bà Merkel trong năm qua là một quyết định can đảm và tích cực mà bà sẵn sàng học hỏi. Gerrit van der Wees thừa nhận cá tính giữa bà Thái và nữ lãnh đạo nước Đức có nhiều điểm tương đồng.

J. Michael Cole, một học giả của Quỹ Tư duy Đài Loan mà bà Thái Anh Văn tham gia điều hành, đánh giá chính trị không “đến với bà Thái một cách tự nhiên” như nhiều chính trị gia tại châu Á. Nó là thành quả của sự lựa chọn và rèn luyện của bản thân bà. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time trong năm 2015, bà Thái tiết lộ từ khi còn nhỏ bà không được gia đình đánh giá là đứa trẻ có triển vọng thành đạt. Bà Thái đã nỗ lực vượt qua những định kiến và lựa chọn sống một “cuộc đời sôi động” khi chọn New York và London là những nơi để lấy hai bằng thạc sĩ và tiến sĩ luật của mình. Tờ The Guardian bình luận chính những kinh nghiệm quốc tế mà bà Thái thu nhập được chính là những sự bổ sung quý giá mà đảng DPP còn thiếu.

Trong một cuộc trao đổi ngoại giao bị tiết lộ của Mỹ, được viết vào năm 2006, bà Thái đã được đánh giá là một nhà chính trị gia kỹ trị hiếm có tại châu Á, xây dựng danh tiếng như một “nhà đàm phán cứng rắn” và một “nhà cố vấn thông thái” với “kinh nghiệm đáng nể về kinh tế”. Bà Thái được đánh giá là có năng lực cực kỳ tốt và rất có khả năng thuyết phục. Trong một trao đổi ngoại giao khác viết vào năm 2008, ông Stephen M. Young nay là tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong đã đánh giá “cá tính trung dung và nói năng nhỏ nhẹ, cũng như năng lực học thuật lẫn nghiệp vụ của bà Thái sẽ tác động đến chính trị Đài Loan theo cách mà đa số các chính trị gia DPP không thể làm được”.

Cũng tương tự như nữ thủ tướng Đức Angela Merkel, bà Thái được đánh giá là một hình mẫu chính trị gia trí thức và thực dụng hơn là một người suốt ngày chỉ biết hô hào khẩu hiệu. Batto Nathan, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung Hoa, đánh giá: “Bà Thái không phải là một diễn giả kiệt xuất. Bà cũng không phải là một nhân vật hào nhoáng. Nhưng bà lại là một người chăm chỉ, luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn tỏ ra chân thành. Có lẽ đây là điều mà Đài Loan đang cần, một người có đủ năng lực thật sự và khả năng lãnh đạo tốt chứ không phải một chính trị gia hào nhoáng”.

Phản ứng của Trung Quốc

Trang web zaobao.sg đưa tin tối 16-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố bất luận tình hình lãnh thổ Đài Loan có thay đổi gì, Trung Quốc vẫn kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc” và Trung Quốc phản đối Đài Loan độc lập, “hai Trung Quốc”. Người phát ngôn nói: “Đài Loan là vấn đề nội chính của Trung Quốc. Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc. Đại lục và Đài Loan cùng thuộc Trung Quốc. Chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc toàn vẹn không cho phép chia cắt”.

Người phát ngôn nêu, Trung Quốc giữ ý chí “kiên cường như bàn thạch, quyết không khoan nhượng hoạt động ly khai Đài Loan độc lập dưới bất cứ hình thức nào”. Người phát ngôn hy vọng và tin tưởng cộng đồng quốc tế ủng hộ nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) nhận định sự kiện ứng cử viên đảng Dân chủ tiến bộ Thái Anh Văn được bầu làm người đứng đầu Đài Loan và đảng Dân chủ tiến bộ thắng áp đảo đã làm thất bại ý đồ thống nhất Đài Loan của Trung Quốc. Báo ghi nhận dù chiến thắng của bà Thái Anh Văn nằm trong dự liệu nhưng đây vẫn là cú sốc khiến quan hệ Washington và Bắc Kinh sẽ càng thêm phức tạp.

Trang mạng Phượng Hoàng đưa tin trong phát biểu tối 16-1, bà Thái Anh Văn bày tỏ sau khi nắm quyền, bà sẽ thúc đẩy giao lưu hiệp thương hai bờ, lấy nguyên tắc dân chủ làm nền tảng thúc đẩy quan hệ hai bờ, bảo đảm duy trì hiện trạng hòa bình ổn định, tạo lợi ích và phúc lợi lớn nhất cho người dân lãnh thổ Đài Loan. Bà nói: “Hai bờ có trách nhiệm cố gắng hết sức, lấy phương thức đôi bên đều có thể chấp nhận, bảo đảm hai bờ không có khiêu khích, không có bất trắc”.

CHU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm