Nhìn lại, chuyến viếng thăm của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 đánh dấu việc tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam và là người góp phần lớn cho việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.
Chuyến viếng thăm của Goerge Bush năm 2006 chủ yếu dành cho việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam; còn chuyến viếng thăm của Obama mang nhiều ý nghĩa khác.
Quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai quốc gia chính là tuyên bố chấm dứt hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Điều này xác thực hơn nữa việc bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ trên nhiều mặt.
Tuy nhiên, đó là việc lớn của hai quốc gia, còn với người dân, lần đầu tiên họ chứng kiến một Tổng thống Mỹ đang tại vị gần gũi như thế. Sự gần gũi đến từ cái bắt tay từng người và luôn nói “cám ơn”, “thank you” sau mỗi cuộc gặp gỡ với văn nghệ sĩ, doanh nhân, người trẻ và cả người dân chờ đón hai bên đường.
Và sự gần gũi còn đến từ bài phát biểu am hiểu Việt Nam trên nhiều lĩnh vực của Tổng thống Obama. Đó là việc dẫn lời, ví dụ từ chính trị với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chí sĩ Phan Châu Trinh; lịch sử từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt; văn hóa, tôn giáo với thiền sư Thích Nhất Hạnh, đại thi hào Nguyễn Du; âm nhạc với nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn; khoa học hiện đại với GS Ngô Bảo Châu, ĐH Fulbright và cả những khó khăn như biến đổi khí hậu, vấn đề biển Đông… mà Việt Nam đang gặp phải.
Với nhiều người, cả hai sự gần gũi kể trên bởi Tổng thống Obama có nhiều sự hậu thuẫn quá tốt của các trợ lý, chuyên gia Việt Nam học… Nhưng trong buổi giao lưu Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) vào trưa 25-5 tại Gem Center (TP.HCM), Tổng thống Obama đã làm những người trẻ vỡ òa khi ông nhắc đến Sơn Tùng M-TP, cố nhạc sĩ Trần Lập với ca khúc Đường tới ngày vinh quang… Dẫu có cố vấn như thế nào thì chí ít bản thân Tổng thống Obama cũng đã phải có sự lưu tâm thật sự với những gì đã, đang xảy ra ở Việt Nam.
Việt Nam không phải là nơi đầu tiên Tổng thống Obama nói câu “I saved the best for last” (Tôi đã giữ điều tốt đẹp nhất đến cuối cùng) khi trả lời cho câu hỏi tại sao Việt Nam là một trong những quốc gia cuối cùng ông chọn đến. Năm ngoái, khi dừng chân ở bang thứ 50 tại Mỹ - South Dakota ông cũng đã từng nói như thế. Nhưng có lẽ câu nói này mang một ý nghĩa khác; đó là những gì tốt đẹp nhất ông Obama cũng sẽ thực hiện cho Việt Nam đến tận cùng dù trong cương vị nào như câu Kiều “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi” mà ông từng trích dẫn.