Vợ ông Bảy bị bệnh nặng, nhập viện ngay ngày 29 tết cách đây bảy năm. Từ đó, ông Bảy ở luôn trong BV nuôi vợ. Hằng ngày, ông bón cho vợ từng muỗng cơm, giặt từng chiếc khăn để lau cho vợ. Người ta quen dần với hình ảnh người đàn ông cao, hay đội mũ lưỡi trai ngày ngày đưa vợ đi hết phòng khám này đến phòng khám khác. Có những ngày căn bệnh khiến người vợ trở nên cáu gắt, họ vẫn thấy ông kiên nhẫn cười với vợ rồi dỗ dành một cách ân cần.
Người nuôi bệnh trong BV có việc gì cũng chạy đến hỏi ông Bảy. Bà Sáu già rồi, một mình ở tận Phú Yên vào chăm con, lơ ngơ không biết thủ tục ra sao, người ta chỉ bà đến “ông Bảy chăm vợ hay ngồi cuối dãy hành lang BV”. Thế là ông Bảy ôm hết giấy tờ của bà Sáu đi hết chỗ này đến chỗ kia hỏi han rồi hoàn thành thủ tục giúp bà.
Hôm trước, sợ bà Sáu ăn cơm một mình buồn, trưa nào ông Bảy cũng mang cơm qua ngồi ăn rồi trò chuyện. “Có thằng Bảy thủ thỉ, ăn cùng bữa cơm, rót nước cho uống nên bà già này ở BV đỡ tủi thân hơn” - bà Sáu móm mém.
Có cô gái trẻ ngày đầu mới đi chăm em trai nằm viện, lúng túng không biết chăm thế nào, có hôm cho thằng em ăn cái trứng gà luộc rồi sau đó nó đau, khóc cả đêm. Chuyện lan ra hành lang, ông Bảy đến hỏi han bệnh gì, rồi móc trong túi ra mảnh giấy ghi vào đó những thứ không nên cho người bệnh ăn. Rồi ông Bảy nói: “Tối mày không có chỗ ngủ thì ra đây, ông Bảy xếp chỗ cho ngủ”…
Giúp đỡ người này người kia nhưng chẳng ai có thể cáng đáng cái phần việc của ông cả. Vợ ông mắc nhiều bệnh trong người nên hay cáu gắt, chẳng ai có thể làm giùm phần việc của ông Bảy. Vậy mà chẳng khi nào thấy ông Bảy tỏ vẻ bực bội hay khó chịu khi người này người kia nhờ vả. Có người bận, ông cũng sẵn sàng xếp hàng nhận giùm. Người mới nhập viện, chưa kịp mua tấm chiếu, ông bảo thôi để ông đi mua cho, rồi chạy ra tiệm tạp hóa bên kia đường, lúc trở vào tay cầm tấm chiếu, mồ hôi đổ ướt cả áo mà trên môi ông vẫn giữ một nụ cười hiền.
Tôi hỏi ông có thấy bực dọc với sự nhờ vả của mọi người hay không. Ông nói: “Nếu mà mệt mỏi hay bực dọc thì ông đã không làm. Thà không làm chứ giúp người ta mà khiến người ta thấy mắc nợ mình thì không hay chút nào. Đời sống có bao nhiêu đâu…”.
Người nuôi bệnh sống cạnh ông luân phiên nhau về hết, chỉ có ông vẫn ngồi ở cái góc nhỏ hành lang BV, bên cạnh người vợ ốm yếu. Trưa hôm qua, một chị xuất viện đến chào ông về, ông Bảy hỏi han rồi gọi điện thoại kêu xe ôm chở ra bến xe. Người này cầm tay ông Bảy, vỗ vỗ dặn dò rồi gạt nước mắt quay đi. Thấy tôi ngạc nhiên, chị Mai nuôi bệnh gần đó nói rằng ai xuất viện cũng đến chào ông Bảy rồi bịn rịn vậy đó. Đó là khoảnh khắc đẹp nhất tôi nhìn thấy trong ngày.