Đúng 10 giờ ngày 26-9, Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy, nguyên Phó tham mưu trưởng quân chủng không quân, về đến quê nhà Lai Vung, Đồng Tháp.
Từ sớm đã có rất đông người đã đến cổng hội trường UBND huyện Lai Vung đón người anh hùng về với đất mẹ trong niềm tiếc thương vô hạn.
Từ sớm người dân chờ đón anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy về với đất mẹ.
Đúng 11 giờ lễ viếng được bắt đầu. Đoàn đại diện Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến.
Viết trong sổ tang, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan ghi: “Đồng chí là niềm tự hào của các thế hệ người Đồng Tháp hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Vĩnh biệt Đồng chí trong niềm tiếc thương vô hạn. Nguyện sống và làm việc, cống hiến cho quê hương như những gì đồng chí ước nguyện”.
Đoàn đại diện Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đến viếng.
Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan ghi sổ tang.
Nhiều lão thành cách mạng, đồng đội đã đến viếng và bày tỏ lòng tiếc thương với người đã khuất. Ông Nguyễn Thanh Lâm, nguyên Giám đốc Nhà máy sửa chữa máy bay A41, cho biết trước đây thỉnh thoảng có sửa máy bay cho ông Bảy. Đến thời bình, hai người vẫn quan hệ vô cùng thân thiết.
Ông Nguyễn Thanh Lâm buồn rười rượi khi nói về người anh đã ra đi.
"Anh Bảy ra đi quá đột ngột, tôi buồn thương không lời nào diễn tả được. Thời đó ảnh gan dạ và tài giỏi lắm, khi đối đầu địch thì khoảng cách an toàn là hơn 1 km nhưng ảnh không sợ mà tiến lại gần khoảng 500 m, có lúc giáp lá cà... Rồi có trận ảnh lái máy bay bị bắn hơn 80 lỗ mà vẫn hạ cánh an toàn. Anh chiến đấu hết mình, chưa nhảy dù hay bỏ máy bay lần nào hết. Tôi còn nợ ảnh một điều chưa làm được thì ảnh đi rồi, đó là khoảng những năm 80 hai anh em ngồi tâm sự, ảnh nói sau này ảnh có chết thì thiêu rồi rải tro ở đồng ruộng. Ảnh "đặt hàng" tôi làm một hũ đựng cốt bằng buồng đốt của động cơ phản lực máy bay MiG17 nhưng do không có vật liệu nên đến nay cũng chưa làm được...” - ông Lâm nghẹn ngào.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Trương Minh Việt vẫn tự mình lái mô tô cùng đoàn tháp tùng đưa linh cữu ông Bảy về quê nhà. “Chiến công của ảnh thì lịch sử đã ghi, báo chí đã đưa nhiều rồi. Thường ngày chúng tôi xem anh Bảy như người anh cả trong không chủng không quân. Anh ra đi để lại cho chúng tôi nhiều tiếc thương, nay tiễn anh tôi không biết nói gì hơn chỉ biết chúc anh ra đi nhẹ nhàng, siêu thoát và anh chính là nguồn giá trị tinh thần vô giá cho con cháu” - ông Việt ngậm ngùi.
Những tiếng khóc nghẹn ngào trong lễ tiễn đưa anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.
Người thân, gia đình nhìn mặt ông Bảy lần cuối.
“Nói về anh thì chỉ có thể nói rằng đó là người rất giản dị, đời thường, tính tình vui vẻ, hài hước. Đặc biệt anh có tấm lòng thương người, bất cứ gia đình nào có khó khăn là anh giúp đỡ. Mùng 3-4 là ngày kỷ niệm không quân đánh thắng trận đầu hằng năm có anh ấy thì rất vui vì mọi người như có thêm động lực, phấn khởi. Giờ không còn anh nữa, mọi người cảm thấy mất mát to lớn lắm... thật sự rất buồn...” - bà Vũ Hồng Nương, hàng xóm và cũng là vợ của đồng đội ông Bảy, nghẹn ngào.
Học sinh Trường THCS thị trấn Lai Vung đến viếng ông Bảy.
Em Vũ Minh Thuận, học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn Lai Vung, chia sẻ “Mặc dù chưa được gặp nhưng trong quá trình học tập em biết được ông Bảy là một người yêu nước, vì nước tham gia cách mạng, bắn hạ bảy chiếc máy bay Mỹ. Em rất ngưỡng mộ và kính yêu ông Bảy, hay tin ông qua đời em rất buồn và cùng mấy bạn đến viếng ông tỏ lòng thành kính, biết ơn".
Lễ viếng được diễn ra đến 10 giờ ngày 27-9, sau đó sẽ đưa Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy về an táng tại nghĩa trang của gia đình ở xã Tân Dương.