Ông Biden: Trung Quốc mắc 'sai lầm lớn' khi không dự Hội nghị khí hậu COP26

Hãng tin Sputnik dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc đã mắc một "sai lầm lớn" và sẽ "đánh mất sự ảnh hưởng" khi quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland.

Tuyên bố trên được ông Biden đưa ra trong cuộc họp báo hôm 2-1 (ngày thứ hai diễn ra hội nghị), khi ông được yêu cầu đưa ra ý kiến về việc Trung Quốc từ chối tham dự COP26 lẫn Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome (Ý) trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. Ảnh: TAHOO NEWS

"Nói thẳng ra thì tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn đối với Trung Quốc khi họ không xuất hiện. Họ đã đánh mất cơ hội để lan truyền tầm ảnh hưởng đến mọi người trên thế giới và tất cả những người tham dự COP26" - ông Biden nói với các phóng viên.

Tổng thống Mỹ cho rằng thế giới sẽ đặt câu hỏi về "giá trị" của Bắc Kinh, nhấn mạnh thêm rằng dù có tồn tại một "sự cạnh tranh" rõ ràng giữa Trung Quốc và Mỹ, cả hai nước không nhất thiết phải có "xung đột".

Tổng thống Biden khẳng định ông sẽ truyền đạt cách tiếp cận “cạnh tranh, không xung đột” này trong các cuộc hội đàm trực tuyến sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lưu ý rằng thời gian diễn ra cuộc gặp vẫn chưa được ấn định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. Ảnh: RT

Cũng trong cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ còn nói đến sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã bày tỏ cam kết sẽ ủng hộ một dự thảo và nghị quyết chung nhằm tìm cách chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

"Ông Putin và Nga đang gặp phải những vấn đề khí hậu vô cùng nghiêm trọng. Những khu rừng và đất đai của ông ấy đang cháy" - ông Biden nhận định khi nói về người đồng cấp Nga. 

Trước đó, Tổng thống Putin trong tuần này đã nhấn mạnh rằng ông tin việc "bảo tồn rừng và các hệ sinh thái tự nhiên khác" sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại khí thải nhà kính và sự nóng lên toàn cầu.

Chính quyền Nga còn bày tỏ cam kết sẽ trở thành một nền kinh tế không có khí thải carbon vào năm 2060, Sputnik đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm