Ông Hai Phước: ‘Tôi rơi nước mắt khi đọc lại những trang sách lịch sử bi hùng miền Nam…’

(PLO)- Ông Hai Phước năm nay đã 90 tuổi. Nước mắt người lão thành cách mạng vẫn rơi khi đọc lại những trang sách về lịch sử bi hùng của miền Nam những năm tháng ấy…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Hai Phước ngồi lại trầm ngâm bên những trang sách sau khi kết thúc buổi lễ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ông Hai Phước ngồi lại trầm ngâm bên những trang sách sau khi kết thúc buổi lễ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Người chiến sĩ cách mạng năm nào nay tóc đã bạc trắng, bước đi lẫm chẫm. Ông Hai Phước cười bảo ông cũng 90 tuổi rồi, có chuyện nhớ nhớ quên quên. Nhưng khi đọc những bài viết trong bộ sách “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam” bổ sung, tái bản, ông như được sống lại với kí ức năm nào.

Lễ công bố ra mắt bộ sách quý ấy vừa diễn ra sáng 13-4. Chương trình do Ban Tuyên giáo Thành uỷ và Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM phối hợp tổ chức. Đây là một trong những chương trình hướng tới kỉ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những mái đầu bạc trắng run run trở về

Ông Hai Phước tên thật là Trần Hữu Phước. Không chỉ là Trưởng ban biên soạn nội dung, tái bản bộ sách, ông còn là một nhân chứng sống lịch sử.

Hôm nay ông đến từ sáng sớm, ngồi lặng yên trên hàng ghế dài ngắm nhìn những cuốn sách được đặt trang trọng. Tham dự lễ công bố ra mắt sách hôm nay, không chỉ có lãnh đạo thành phố mà còn có những người lão thành cách mạng với những mái đầu đã bạc trắng run run bước chân ngày về.

Ông Hai Phước: ‘Tôi rơi nước mắt khi đọc lại những trang sách lịch sử bi hùng miền Nam…’ ảnh 2

Ông Hai Phước chụp hình kỉ niệm cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố sau khi kết thúc buổi lễ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Nguồn tư liệu cho cuốn sách rất quan trọng. Một số người đã qua đời, những người còn sống thì tuổi cao sức yếu, trí nhớ giảm sút, bởi vậy phải khai thác ở góc độ đa chiều, phải đi thực tế, gặp nhân vật lịch sử, gặp đồng bào quần chúng, cán bộ cấp cơ sở để bổ sung mới có nguồn tài liệu phong phú. Tôi cũng lớn tuổi rồi, đâu ai ngoại trừ quy luật, sức khoẻ, trí nhớ giảm sút. Nhưng thức đêm thức hôm biên soạn tôi vui lắm. Tôi xem đây là nhiệm vụ cao cả của mình cho thế hệ mai sau”- ông Hai Phước nói với PLO.

Ông Hai Phước tham gia cách mạng khi còn là cậu bé gầy gò 13 tuổi, 16 tuổi cậu bé ấy vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đi qua 90 năm cuộc đời, chứng kiến bao thăng trầm thời cuộc, ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông và đồng đội mong để lại cho đời những tư liệu quý về lịch sử miền Nam.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhấn mạnh bộ sách “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam” bổ sung, tái bản có giá trị cao về tư liệu lịch sử, thể hiện lòng tri ân với đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

“Tôi rất xúc động khi những ngày qua được cùng anh Ba Đua (ông Nguyễn Văn Đua- nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh), chú Hai Phước, các anh chị đến thắp hương cho các tiền bối, những chứng nhân lịch sử trong bộ sách này: bác Phan Văn Khải, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ…Đến nơi, nhìn những hiện vật những lịch sử đã đi qua thấy trách nhiệm của mình cho hôm nay và cho mai sau.

Đặc biệt bài học lấy dân làm gốc, đoàn kết dân tộc là sợi chỉ đỏ. Trong đại dịch COVID-19, trong tình hình khó khăn chung, thành phố có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước hỗ trợ. Hàng trăm chuyến xe nghĩa tình khắp mọi miền đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài, hàng trăm mô hình sáng tạo chăm lo an sinh xã hội được nhân rộng: siêu thị 0 đồng, ATM gạo, ATM oxi…”- bà Tô Thị Bích Châu xúc động.

Ba bài học lịch sử có giá trị đến hôm nay

Ông Huỳnh Đảm – nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ càng đọc càng nghiên cứu bộ sách, ông càng tâm đắc. Có ba bài học ông đắc nhất đó là bài học về đường lối, bài học về tập hợp lực lượng và bài học về công tác cán bộ. Những bài học trong bộ sách, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. Ảnh: CTV

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM trân trọng trao những cuốn sách vào sáng nay 14-4 . Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM trân trọng trao những cuốn sách vào sáng nay 14-4 . Ảnh: CTV

“Từ hiệp định Genève chưa ráo mực, chúng dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm, trắng trợn phá hoại hiệp định phá hoại cuộc tổng tuyển cử nước nhà, khủng bố những người yêu nước, nhân dân ta…. Nhà tù máy chém khắp miền Nam. Đau thương, tang tóc phủ trùm lên miền Nam. Đêm nào, tôi cũng nghe tiếng kêu khóc, tiếng hành quyết. Nhân dân ta, nhân dân miền Nam sống trong cảnh như vậy”- ông Huỳnh Đảm lặng người nhớ lại.

Ông nói rằng nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời không chỉ đáp ứng lâu dài khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước mà còn tạo ra bước ngoặt lớn cho phong trài cách mạng, thổi bùng phong trào cách mạng.

“Nhân dân ta có truyền thống đoàn kết, yêu nước, nhưng rời rạc thì không thể tập hợp sức mạnh. Không chỉ đoàn kết những người yêu nước miền Nam mà là cả dân tộc Việt Nam, cả miền Bắc- hậu phương lớn, những người Việt ở nước ngoài, những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới, tất cả sức mạnh tập hợp đã làm nên trang sử hào hùng của thế kỉ 20 “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”- Ông Huỳnh Đảm tự hào, mắt ngân ngấn.

Ông Huỳnh Đảm đề xuất Thành uỷ TP.HCM tiếp tục chỉ đạo làm sao lan toả nội dung bộ sách rộng rãi không chỉ trong hệ thống chính trị, công chức đoàn viên mà còn ngoài dân dân, không chỉ ở TP.HCM mà cả nước để chúng ta tự hào hơn, biến đó thành hành động thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội 11 của thành phố, đại hội 13 của Đảng.

Ông mong thành phố sẽ chọn và dành không gian trang trọng nhất tại TP.HCM trưng bày kỉ vật, tư liệu về “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”.

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, Bắc Nam đã nối liền một dải. Nhìn lại không phải để hận thù hay nuối tiếc, mà nhìn lại để biết cội nguồn lịch sử dân tộc, biết hoà bình độc lập hôm nay đánh đổi bởi bao máu xương của cha ông đi trước. Và nhìn lại để biết tự hào, viết tiếp lịch sử mai sau….

‘Người làm công tác dân vận không thể chờ dân hỏi mới trả lời’

Trong xã hội hiện đại, giới trẻ đang tiếp cận thế giới đa chiều. Người làm công tác dân vận không thể chờ dân hỏi mới trả lời, mà cần chủ động trao thông tin cho người dân.

Cán bộ làm công tác dân vận phải lồng ghép những nội dung truyền thống một cách linh hoạt, sáng tạo trong các ấn phẩm truyền thông hiện đại như: Video clip; infographic; các tác phẩm văn học nghệ thuật... để đưa giá trị truyền thống tiếp cận thế hệ trẻ trên không gian mạng xã hội, không gian đa chiều.

Bà Cao Thị Thu Duyên ( Phó Ban Tuyên giáo - Đối ngoại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm