Ông Lukashenko nói chỉ từ chức khi không còn biểu tình

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng điều kiện quan trọng nhất để ông có thể rời nhiệm sở là trật tự được lập lại và không còn biểu tình trong nước, hãng thông tấn TASS đưa tin.

"Điều kiện chính của tôi cho việc rời nhiệm sở là có hòa bình, trật tự trong nước, không có biểu tình, không có các nỗ lực gây bất ổn đất nước và mọi người bày tỏ quan điểm của mình trong khuôn khổ pháp luật" - ông Lukashenko phát biểu trước Đại hội Nhân dân Belarus diễn ra hôm 11-2 ở thủ đô Minsk.

Điều kiện thứ hai được ông Lukashenko đưa ra là bất kể ai là người lãnh đạo đất nước, những người ủng hộ ông phải được bảo vệ "đến từng ngọn tóc" trước mối đe dọa từ những nhóm người phản đối chính quyền. 

Tổng thống Alexander Lukashenko phát biểu tại Đại hội Nhân dân Belarus lần thứ 6, hôm 11-2. Ảnh: SPUTNIK

Trong bài phát biểu, Tổng thống Belarus khẳng định bản thân đã làm hết sức mình trong hơn 26 năm qua để kiến thiết đất nước sau những khủng hoảng nghiêm trọng dẫn tới sự sụp đổ của nhà nước Liên Xô mà lúc đó Belarus là một nước cộng hòa trong liên bang.

Ông Lukashenko nói rằng dù có còn nắm quyền lực ở Belarus hay không, ông sẽ "không cho phép bất kỳ ai làm hại đất nước", theo hãng thông tấn BelTA.

Ông Lukashenko nhắc lại rằng Belarus đã thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp và người dân đang sống trong "giai đoạn chuyển tiếp" và cần có "một thế hệ mới" lãnh đạo đất nước. Ông Lukashenko cho rằng xã hội Belarus cần "trưởng thành" để thích ứng với những thay đổi đang diễn ra.

Về hiến pháp mới, ông Lukashenko cam kết quá trình thảo luận sẽ kết thúc trong năm nay và cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp sẽ được tổ chức muộn nhất là vào đầu năm 2022.

Ông Lukashenko cam kết chính quyền Minsk sẽ tổ chức bầu cử một cách công khai và tôn trọng nguyện vọng của đa số nhân dân.

Ông Lukashenko cũng nói rằng người dân Belarus phải tự lựa chọn người lãnh đạo đất nước sau khi ông rời nhiệm sở.

Về đối ngoại, ông Lukashenko nói rằng quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) là quan trọng, song nhấn mạnh Nga là "đối tác kinh tế và đồng minh chiến lược chính" và là "đất nước anh em" của Belarus. Ông Lukashenko cũng đặc biệt nhắc tới Trung Quốc - một "đất nước hữu nghị và gần gũi bất chấp việc xa cách về địa lý".

Cũng trong Đại hội Nhân dân Belarus, Ngoại trưởng Vladimir Makei đã có bài phát biểu. Ông Makei nhắc lại rằng chính quyền Minsk đang chịu những lệnh trừng phạt từ những quốc gia mà ông gọi là "đối thủ của Belarus".

Ông Makei khẳng định Belarus sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao hướng tới nhiều đối tác, đối tượng như đã thực hiện trong thời gian qua. Ông Makei nói rằng chính quyền Minsk không nên để những "đối thủ của Belarus" lợi dụng việc này để gây chia rẽ xã hội trong nước.

Đại hội Nhân dân Belarus là một diễn đàn dân chủ toàn quốc được tổ chức năm năm một lần với sự tham gia của các đoàn đến từ các địa phương, bao gồm đại diện ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp và tất cả các lĩnh vực như sản xuất, khoa học, giáo dục, y tế... cũng như các đại diện khối danh nghiệp tư nhân được bầu tại các đại hội cơ sở. Một số phái đoàn ngoại giao và khách quốc tế cũng được mời tới Đại hội Nhân dân Belarus.

Sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng 8 năm ngoái, Belarus đã chìm trong bất ổn khi người về nhì là bà Svetlana Tikhanovskaya (được khoảng 10% cử tri ủng hộ so với tỉ lệ 80% phiếu bầu cho ông Lukashenko) cáo buộc gian lận bầu cử và kêu gọi người dân biểu tình.

Bà Tikhanovskaya đã rời khỏi Belarus và đang giữ liên lạc với các đồng minh và người ủng hộ trong nước từ nước láng giềng Lithuania.

Phương Tây cáo buộc người biểu tình ở Belarus bị chính quyền đàn áp, do đó áp đặt một số lệnh trừng phạt lên một số quan chức ở Minsk. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm