Tại buổi tọa đàm, ủng hộ cho việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới dựa trên lộ trình rõ ràng, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thế giới đã có từ lâu.
Cần cơ chế quản lý thay vì cấm đoán nửa vời
Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang hiện diện chủ yếu bằng con đường nhập lậu, nhà nước hiện cũng chưa có biện pháp để quản lý. Do vậy, ông cho rằng cần sớm có cơ chế đối với mặt hàng này, hoặc cấm hoặc cho phép thương mại.
Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tuy nhiên, ông Nhưỡng nhấn mạnh, bắt buộc phải quản lý vì cấm ở đây chỉ mang tính chất nửa vời. “Theo tôi dứt khoát phải quan lý khi xã hội có nhu cầu, xuất hiện các quan hệ xã hội thì nhà nước không thể không quản lý. Ở đây là sản phẩm có tác hại không chỉ đối với người hút thuốc mà tác động với cả những người xung quanh, đến nhà sản xuất, các nhà xuất nhập khẩu. Không thể chấp nhận chuyện không thể quản lý”, ông Nhưỡng khẳng định.
Để khẳng định các cơ sở pháp lý có thể áp dụng trong việc thực thi việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng nhà nước có Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nhưng chưa đưa vào áp dụng triệt để. Vì vậy, ông khẳng định: “Chúng ta có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng việc quản lý yếu kém đã dẫn đến tình trạng các loại thuốc lá thật, chính danh hiện nay lại đang bị cạnh tranh, nghĩa là có tình trạng bất công trong quá trình sản xuất kinh doanh của các loại mặt hàng mà ta gọi là mặt hàng thuốc lá. Tôi cho rằng đây là vấn đề liên quan cả về xuất nhập khẩu, liên quan đến cả các vấn đề tiền thuế của nhà nước, liên quan đến cả sức khỏe của con người, liên quan đến môi trường... Một vấn đề nữa, tôi cho rằng liên quan cả hình ảnh của đất nước, hình ảnh của nhà nước liên quan đến vấn đề quản lý và hợp tác quốc tế, bởi Việt Nam cũnglà thành viên của rất nhiều hiệp định song phương và đa phương”.
“Chúng ta đều biết hiện nay quốc tế cũng đã có hệ thống quản lý, quy tắc, thông lệ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo rằng thuốc lá làm nóng là một trong những mặt hàng cần phải được các quốc gia quản lý. Tổ chức Hải quan Thế giới cũng đã đặt thuốc lá là một loại sản phẩm làm nóng theo mãHS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác). Trong định nghĩa thuốc lá của chúng ta (theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá) thì thuốc lá làm nóng cũng là nằm trong định nghĩa của luật này”, ông Nhưỡng cho biết thêm.
Được biết, trong các kỳ họp Hội nghị Các bên (COP) do WHO tổ chức về kiểm soát thuốc lá giữa các nước trên toàn cầu, hầu hết các tổ chức này đều nêu ra tác hại và tầm quan trọng của việc kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá. Theo đó, hướng dẫn chính phủ các nước quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới và những sản phẩm có chứa nicotin.
Loại bỏ lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách
Đề cập đến việc làm thế nào để quản lý thuốc lá thế hệ mới hiệu quả, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định thí điểm là cần thiết. Lý giải điều này, ông cho rằng hiện đang thiếu những luận cứ để xác lập chính sách cũng như các cơ quan nhà nước chưa sẵn sàng. “Văn bản 7830 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng cho thấy chúng ta đang rất cần thiết sự đánh giá đầy đủ về chính sách. Bây giờ chưa có thì chúng ta cần đi tìm và tìm bằng cách thí điểm”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Các khách mời trao đổi, thảo luận tại tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới – Cần góc nhìn mới”
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng nhấn mạnh, hiện chỉ còn thiếu sự thống nhất về quan điểm giữa Bộ Công thương và Bộ Y tế để có thể có những bước tiến xa hơn trong tiến trình quản lý. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần phải “đoạn tuyệt quan điểm cực đoan trong quá trình xây dựng chính sách”. Điều này sẽ giúp hài hòa lợi ích giữa các chủ thể.
Cụ thể, ông Nhưỡng cho rằng không thể cực đoan về khía cạnh nào đó trong chính sách này mà cần phải hết sức toàn diện để giúp Chính phủ quyết định có ban hành chính sách này như thế nào để hài hòa hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam, hài hòa lợi ích các bên cũng như hài hòa và thích ứng với hệ thống pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng đưa ra góc nhìn về trách nhiệm bảo vệ quyền con người, ở đây là quyền của người tiêu dùng. Bởi “chúng ta nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới”, ông nói.
Kết thúc tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt hy vọng Bộ Công thương khi xây dựng chương trình thí điểm thì cần giải đáp được các câu hỏi về mặt chính sách này. “Để triển khai thực tiễn và toàn diện, về mặt nào đó các cơ quan quản lý có thể vận dụng tất cả các quy định hiện hành và trên cơ sở căn cứ thí điểm để có thể xây dựng được một chính sách khả dĩ nhất”, ông Nhưỡng kết luận.