Một tháng rưỡi sau khi bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei bị bắt tại Canada, ngày 15-1, ông Nhậm Chính Phi – người sáng lập Huawei đồng thời là cha bà Mạnh lên tiếng nói nhớ con gái. Ông Nhậm cũng khẳng định Huawei không phải là công cụ do thám Mỹ của chính phủ Trung Quốc, Financial Times đưa tin.
Trong cuộc cuộc họp báo hiếm hoi với các nhà báo nước ngoài, ông Nhậm Chính Phi đề cập đến lo ngại của Mỹ và các nước về mối đe dọa từ Huawei đến an ninh quốc gia các nước này, cũng như chuyện con gái ông bị bắt bất ngờ tại Canada.
Khẳng định Huawei không do thám Mỹ
Trao đổi với báo chí từ TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), ông Nhậm khẳng định “Huawei chưa bao giờ nhận bất kỳ yêu cầu nào từ bất kỳ chính phủ nào phải cung cấp thông tin”.
Ông Nhậm bác bỏ sự lo ngại về an ninh của thiết bị Huawei rằng “không có luật nào ở Trung Quốc yêu cầu bất kỳ công ty nào lắp đặt thiết bị do thám bí mật”, đồng thời thêm rằng Huawei “không hề có sự cố an ninh nghiêm trọng”.
“Tôi vẫn yêu đất nước tôi, tôi ủng hộ đảng Cộng sản, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì gây hại đến bất kỳ nước nào trên thế giới. Tôi không thấy có sự liên quan nào giữa niềm tin chính trị cá nhân tôi với hoạt động kinh doanh của Huawei” – ông Nhậm tuyên bố. Trước khi sáng lập Huawei năm 1987, ông Nhậm từng là một sĩ quan trong quân đội Trung Quốc.
Ông Nhậm Chính Phi nói nhớ con gái rất nhiều trong cuộc họp báo ngày 15-1 tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: AP
Nhà sáng lập Huawei 74 tuổi này cũng nói thêm là mình nhớ con gái “rất nhiều”. Bà Mạnh bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran. Hiện bà này đang được tại ngoại chờ xem xét dẫn độ sang Mỹ.
Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei đang bị phương Tây để ý chặt về quan hệ giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ cáo buộc chính phủ Trung Quốc sử dụng thiết bị của Huawei để do thám hoạt động các nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 ký luật cấm chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei, và đang trong quá trình cân nhắc ra một sắc lệnh hành pháp ra lệnh cấm tương tự với cả các công ty Mỹ. Từ năm ngoái Mỹ đã yêu cầu một số đồng minh, như Úc, Canada, Hàn Quốc cấm thiết bị và dịch vụ của Huawei tại nước mình. Đến tháng 11-2018, Mỹ mở rộng nỗ lực này đến Đức, Ý, Nhật.
Ông Nhậm Chính Phi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại văn phòng Huawei ở London (Anh) ngày 21-10-2015. Ảnh: GETTY IMAGES
Cáo buộc Huawei do thám tới giờ vẫn chưa có chứng cứ, và phần mình Huawei luôn bác bỏ. Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây đã hạn chế Huawei tiếp cận thị trường mình. Mới nhất, đầu tuần này Ba Lan cho biết sẽ cân nhắc cấm sử dụng sản phẩm Huawei tại các cơ quan công. Diễn biến này đến sau khi Ba Lan tuần trước bắt ông Vương Vệ Tinh - Giám đốc Kinh doanh Huawei tại nước này vì bị tình nghi làm gián điệp.
Khen ông Trump “vĩ đại”
Nhiều nhà quan sát chính trị quốc tế cho rằng hành động của Mỹ với Huawei là một chiến thuật để chiếm ưu thế trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Nhậm có vẻ muốn thuyết phục ông Trump rằng nhắm tới tập đoàn của ông là chuyện không cần thiết.
“Huawei chỉ là một hạt mè trong xung độc thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông Trump là một tổng thống vĩ đại. Ông ấy dám cắt bỏ khoản thuế lớn, làm lợi cho hoạt động kinh doanh. Nhưng bạn phải đối xử tốt với các công ty nước ngoài và các nước để họ sẵn sàng đầu tư vào Mỹ rồi chính phủ Mỹ có thể thu được thuế” – Obsever dẫn lời ông Nhậm.
Bà Mạnh Vãn Châu, con gái ông Nhậm Chính Phi bị Canada bắt tháng trước theo yêu cầu của Mỹ. Ảnh: AFP
Ông Nhậm dành lời lẽ “vĩ đại” để mô tả ông Trump, thậm chí còn đề cập khả năng rút khỏi thị trường Mỹ: “Huawei không phải là một công ty đại chúng, vì thế chúng tôi không cần báo cáo thu nhập đẹp đẽ để gây ấn tượng với các cổ đông. Nếu có nước không muốn Huawei xuất hiện ở thị trường mình, chúng tôi sẽ thu nhỏ hoạt động. Miễn là chúng tôi có thể sống sót và lo được cho người lao động, rồi chúng tôi sẽ có tương lai” .
“Thông điệp tôi muốn chuyển đến Mỹ là: cộng tác và chia sẻ thành công. Trong thế giới công nghệ cao của chúng ta, chuyện một công ty hay một quốc gia có thể tồn tại hay đáp ứng được hết các yêu cầu của thế giới là điều ngày càng không thể” – ông Nhậm nói.
Không biết những lời lẽ hòa hoãn của ông Nhậm với ông Trump có liên quan chuyện ông Trump tháng trước có nói với Reuters sẵn sàng can thiệp với Bộ Tư pháp vụ bà Mạnh nếu điều này giúp Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay không. Hiện Mỹ vẫn chưa xác nhận ngày dẫn độ bà Mạnh.
Bước đi thông minh
Thời gian qua ông Nhậm chủ yếu sống ẩn mình, về chính thức ông tuyên bố chỉ sở hữu 1,14% cổ phần tập đoàn.
Ngày 15-1 là lần xuất hiện đầu tiên của ông Nhậm Chính Phi trước truyền thông nước ngoài kể từ năm 2015, và là cuộc họp báo thứ 3 ông thực hiện trong 30 năm làm việc ở Huawei.
Ông Nhậm Chính Phi trong cuộc họp báo ngày 15-1 tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), khen ông Trump “vĩ đại”. Ảnh: AP
Nhận xét về chuyện ông Mạnh họp báo, nói với South China Morning Post, chuyên gia Brock Silvers – Giám đốc Kinh doanh công ty đầu tư Kaiyuan Capital ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng đây là bước đi thông minh.
“Ông Nhậm Chính Phi không mấy khi trả lời phỏng vấn, nhưng quyết định nói công khai dường như là một bước đi thông minh. Đe dọa đến hoạt động kinh doanh của Huawei ở châu Âu là có thật và nỗ lực xử lý nó là điều có thể hiểu được. Các phát ngôn công khai của ông Nhậm hôm nay cho thấy ông đánh giá tình hình này nghiêm túc thế nào” – theo ông Silvers.