Ông Trudeau cứu được công dân Canada thoát án tử ở Trung Quốc?

Vụ công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg bị Trung Quốc kết án tử hình vì tội buôn lậu ma túy đang làm xôn xao dư luận.

Ngay trong ngày có phán quyết (14-1), Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhanh chóng lên tiếng, khẳng định chính phủ Canada sẽ can thiệp vào vụ việc, đại diện cho ông Schellenberg, điều mà Canada vẫn làm bất cứ khi nào có công dân Canada bị tuyên án tử hình ở nước ngoài.

“Đây là điều cực kỳ quan ngại với chúng tôi trong tư cách chính phủ, cũng như với tất cả bạn bè quốc tế và đồng minh, rằng Trung Quốc đã tùy tiện áp hình phạt tử hình” – CTV News dẫn lời ông Trudeau nói với báo chí tại Ottawa. Nhà lãnh đạo này khẳng định Canada sẽ làm tất cả có thể để cứu ông Schellenberg.

Sơ thẩm: 15 năm tù, phúc thẩm: tử hình!

Ông Schellenberg ngày 14-1 bị tòa thượng thẩm TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) tuyên án tử hình vì tội buôn ma túy. Đáng chú ý, mức án tử hình tòa phúc thẩm đưa ra cao hơn mức 15 năm tù giam mà tòa sơ thẩm Liêu Ninh tuyên ngày 20-11-2018. Lý do được thẩm phán tòa phúc thẩm đưa ra là mức án 15 năm tù giam là quá nhẹ, không tương xứng tội danh.

Công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg (áo trắng) tại phiên phúc thẩm ở tòa thượng thẩm nhân dân Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 14-1. Ảnh: AP
Công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg (áo trắng) tại phiên phúc thẩm ở tòa thượng thẩm nhân dân Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 14-1. Ảnh: AP

Ông Schellenberg bị Trung Quốc bắt cuối năm 2014 và bị xét xử năm 2016 với cáo buộc vận chuyển 222 kg methamphemine từ một nhà kho ở Đại Liên sang Úc. Tòa thượng thẩm cho biết các công tố viên có chứng cứ cho thấy ông Schellenberg có thể là thành viên quan trọng của một tổ chức buôn lậu ma túy quốc tế.

Nói với AP, luật sư Zhang Dongshuo đại diện ông Schellenberg nói rằng tại tòa ông đã tranh luận rằng tòa không có cơ sở để tăng mức án vì không hề xuất hiện chứng cứ mới nào trong phiên phúc thẩm so với phiên sơ thẩm.

Về phần mình, khi nghe phán quyết, ông Schellenberg vẫn khẳng định mình vô tội, nói rằng mình chỉ là một du khách đến Trung Quốc, không phải buôn lậu ma túy.

Tòa cho biết ông Schellenberg có quyền tiếp tục kháng cáo. Theo luật sư Zhang, ông Schellenberg có 10 ngày để kháng cáo.

Theo ông Zhang, chuyện phiên xử phúc thẩm diễn ra quá nhanh sau khi ông Schellenberg nộp đơn kháng cáo là chuyện trước nay chưa từng có, nhưng ông không nói liệu diễn biến này có liên quan đến căng thẳng ngoại giao đang diễn ra giữa hai nước hay không.

Đáng nói hơn, phiên phúc thẩm diễn ra chỉ trong một ngày, có sự tham dự của một số viên chức đại sứ quán Canada tại Trung Quốc. Cũng trong phiên tòa này, Trung Quốc lần đầu tiên mời truyền thông nước ngoài dự và đưa tin.

AFP cho rằng từ việc Trung Quốc cho phép truyền thông nước ngoài đưa tin về phiên xử phúc thẩm ông Schellenberg – trong khi phiên sơ thẩm thì không - cho thấy Trung Quốc có vẻ đang muốn dùng vụ này để gây áp lực lên Canada.

Tòa Thượng thẩm nhân dân ở Đại Liên, Liêu Ninh (Trung Quốc), nơi công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg bị xét xử phúc thẩm và bị tuyên án tử hình vì tội buôn lậu ma túy. Ảnh: REUTERS
Tòa Thượng thẩm nhân dân ở Đại Liên, Liêu Ninh (Trung Quốc), nơi công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg bị xét xử phúc thẩm và bị tuyên án tử hình vì tội buôn lậu ma túy. Ảnh: REUTERS

Theo The New York Times, trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình ông Schellenberg đã lên tiếng bày tỏ lo ngại có thể ông này sẽ trở thành một con tin Trung Quốc dùng mặc cả để đổi sự tự do cho bà Mạnh Vãn Châu- Giám đốc Tài chính Tập đoàn công nghệ Huawei bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ cuối năm 2018. Nói cách khác, số phận ông Schellenberg giờ liên quan đến số phận của bà Mạnh Vãn Châu.

Các quan chức Trung Quốc nói rằng vụ ông Schellenberg không dính dáng gì đến vụ Canada bắt bà Mạnh, cũng không liên quan đến chuyện Trung Quốc bắt hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor tháng trước.

Liệu công dân Canada có được cứu?

Vấn đề đang được nhiều người quan tâm là liệu ông Schellenberg có thoát được án tử của Trung Quốc hay không. Nhiều nhà phân tích nhận định số phận ông Schellenberg sẽ tùy thuộc vào tiến trình đàm phán ngoại giao giữa hai nước.

Cựu viên chức ngoại giao Canada Ben Rowswell, hiện lãnh đạo tổ chức chính sách đối ngoại Hội đồng Quốc tế Canada, nhận định án tử dành cho ông Schellenberg là “một sự leo thang thực sự nguy hiểm về sự hung hăng" của Trung Quốc.

“Việc chính phủ Trung Quốc không có bất kỳ thông điệp nào cho thấy họ muốn bảo vệ tiến trình tư pháp và tách biệt các vấn đề tư pháp khỏi các vấn đề chính trị đã khiến chúng tôi phải nghĩ rằng đây là một bước leo thang nữa”, ông Rowswell nói với CTV News ngày 14-1.

Chuyên gia Rowswell cho rằng số phận ông Schellenberg sẽ là ưu tiên hàng đầu về ngoại giao, từ ông Trudeau cho đến các cấp thấp hơn. Các quan chức Canada khả năng lớn là sẽ cố gắng vận động, đàm phán để đưa ông Schellenberg về lại Canada và xử lý vụ việc ông này qua hệ thống tư pháp của quốc gia Bắc Mỹ.

“Họ sẽ làm mọi thứ có thể qua các kênh ngoại giao đóng, bí mật, cố gắng kiếm được một giải pháp. Về công khai, điều quan trọng là phải giữ giọng điệu bình tĩnh, tập trung vào tình huống nghiêm trọng mà các cá nhân bị giam giữ ở Trung Quốc đang phải đối mặt”, theo ông Rowswell.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trước truyền thông tại Ottawa (Canada) ngày 14-1. Ảnh: THE CANADIAN PRESS
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trước truyền thông tại Ottawa (Canada) ngày 14-1. Ảnh: THE CANADIAN PRESS

Giáo sư Lynette Ong tại Viện Asian và Trường Các vấn đề Quốc tế Munk thuộc đại học Toronto cho rằng phía Canada sẽ thuyết phục bằng cách nói vị thế của Trung Quốc trên trường thế giới sẽ bị tổn thương nếu nước này hành hình ông Schellenberg.

Theo Giáo sư Ong, Trung Quốc cần xây dựng hình ảnh là một “quyền lực tử tế” để có thể trở thành một quyền lực toàn cầu như mục tiêu của mình.

“Chúng ta cần thuyết phục Trung Quốc rằng chuyện bắt giữ công dân Canada hay bất kỳ người nước ngoài nào khác như vật cầm cố không phục vụ quyền lợi quốc gia mình”, Giáo sư Ong nói với CTV News.

Theo ông Rowswell, nếu thật sự Trung Quốc xem ông Schellenberg như vật cầm cố thì ý định này không mang lại lợi lộc cho Trung Quốc. Vụ việc ông Schellenberg đã mang đến một “hậu quả khủng khiếp” cho các quyền lợi kinh doanh ở Trung Quốc.

Ông Rowswell cho rằng “sẽ phải mất hàng năm để quan hệ Canada-Trung Quốc có thể phục hồi”.

Chuyên gia về các vấn đề đối ngoại Erin O’Toole viết trên Twitter rằng Thủ tướng Trudeau “cần phải bỏ thời gian, tâm sức với bất đồng ngoại giao sâu sắc này”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm