Ông Phan Đình Trạc: Xử lý nghiêm minh cả cán bộ cấp cao, cán bộ cấp tướng

(PLO)- Trong 10 năm, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban Chỉ đạo đưa 436 vụ án, 583 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bài viết Ngành Nội chính Đảng-10 năm tái lập và phát triển (5-1-1966 - 5-1-2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên, người lao động ngành Nội chính Đảng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Đáng chú ý, ngành đã tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn, mạnh mẽ, quyết liệt về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng, hình thành phương châm “bốn không” - “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất cơ chế theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Ảnh: VGP

Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất cơ chế theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Ảnh: VGP

Ngành Nội chính Đảng cũng tích cực nghiên cứu, thẩm định nhiều đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Cùng đó là chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.

Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất cơ chế theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm theo ba cấp độ và tham mưu cơ chế chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm...

Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong 10 năm qua, Ban đã tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đưa 436 vụ án, 583 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ. Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 193 vụ án, 140 vụ việc.

Các vụ án, vụ việc sau khi đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, quyết liệt, điều tra, truy tố, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 12-1. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 12-1. Ảnh: TTXVN

Trong đó có nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ, việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”.

Ngay cả các vụ án xảy ra ở khu vực công và khu vực tư cũng được tham mưu chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm minh, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Điều này khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhìn lại chặng đường 10 năm được tái lập cùng những kết quả quan trọng đạt được thời gian qua, theo ông Phan Đình Trạc, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp là những lĩnh vực rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do vậy, phải tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Thứ hai, phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có phương pháp, cách làm khoa học, bài bản và phải đúng vai, thuộc bài, như Tổng Bí thư thường chỉ đạo.

Thứ ba, phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với các cơ quan nội chính là “phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, rất nhịp nhàng và thống nhất với nhau”; tuyệt đối không được “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Thứ tư, thường xuyên đúc kết kinh nghiệm, bổ sung những vấn đề mới, cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Thứ năm, cán bộ, công chức ngành Nội chính phải khiêm tốn, cầu thị, gương mẫu, tâm huyết, phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái sai; giữ mình trong sạch, liêm chính, thường xuyên học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mời bạn đọc theo dõi toàn văn bài viết Ngành Nội chính Đảng-10 năm tái lập và phát triển, của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc TẠI ĐÂY.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm