Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria có thể dẫn tới sự hồi sinh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khu vực.
Theo kênh Press TV, Tổng thống Nga Putin đưa ra cảnh báo trên trong một bài phát biểu được phát trên truyền hình nhân chuyến thăm Turkmenistan hôm 11-10. Nhà lãnh đạo Nga nói rằng các thành viên IS bị bắt giữ ở đông bắc Syria có thể trốn ngục do chiến dịch đánh người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
“Có một số khu vực ở miền bắc Syria là nơi các thành viên IS hoạt động. Các đơn vị người Kurd từng giám sát những khu vực này, nhưng giờ đây lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến vào khu vực, chúng có thể chạy trốn”, Tổng thống Putin nói, nhắc tới các lực lượng tay súng người Kurd ở Syria đang trở thành mục tiêu của cuộc tấn công quân sự “Chiến dịch mùa xuân hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi không chắc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể kiểm soát tình hình. Đây là mối đe dọa thực sự cho chúng ta”, ông Putin nói thêm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9-10 thông báo lực lượng quân sự nước này và Quân đội Syria Tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã phát động chiến dịch đánh đông bắc Syria.
Ông Erdogan tuyên bố cuộc tấn công chỉ nhằm vào các tay súng có liên hệ với IS như tay súng người Kurd nhằm thiết lập một vùng an toàn ở đó và tái định cư hàng triệu người tị nạn trong khu vực.
Nga kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế
Bộ Ngoại giao Nga trong một tuyên bố ngày 11-10 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế ở đông bắc Syria. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng điều quan trọng là không được phép để tình hình ở đó bất ổn thêm.
Mô tả vấn đề này như là “mối lo ngại nghiêm trọng nhất”, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và các tay súng người Kurd. Bộ này cho hay Nga sẵn sàng giúp tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán như vậy mặc dù chính phủ Damascus loại bỏ khả năng đối thoại với người Kurd.
Lời kêu gọi của Nga đưa ra một ngày sau khi Nga và Mỹ dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác một tuyên bố của châu Âu yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các hành động đơn phương ở đông bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ thề sẽ tiếp tục chiến dịch ở đông bắc Syria bất chấp cảnh báo về khủng hoảng nhân đạo với 100.000 người rời bỏ nhà cửa, bất chấp các đe dọa từ Mỹ và đồng minh.
“Chúng tôi không thể chờ. Là Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng cuộc chiến này, bất luận người khác nói gì. Cả Mỹ và châu Âu đều nói chúng tôi đang giết người Kurd. Người Kurd là anh em của chúng tôi. Cuộc đấu tranh của chúng tôi là chống lại các nhóm khủng bố”, ông Erdogan nói ngày 11-10.
Thổ Nhĩ Kỳ thề trả đũa nếu Mỹ trừng phạt kinh tế
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cuối ngày 11-10 nói rằng nước này sẽ trả đũa bất kỳ bước đi nào chống lại những nỗ lực chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này là để đáp trả thông báo Mỹ có khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này mở chiến dịch ở Syria.
Các phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đi qua thị trấn biên giới Akcakale, tỉnh Sanllurfa, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuyên bố ngày 11-10 nêu rõ: “Khi Chiến dịch mùa xuân hòa binh bắt đầu, thông tin đã được truyền tới chính phủ Mỹ ở mọi cấp độ. Mục tiêu và phạm vi của chiến dịch đã được chia sẻ cho cộng đồng quốc tế một cách rõ ràng… Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu chống các nhóm khủng bố đặt ra đe dọa cho an ninh quốc gia, và cuộc chiến này sẽ tiếp tục bằng sự quyết tâm. Chúng tôi sẽ trả đũa bất kỳ bước đi nào chống lại việc này”.
Trước đó trong ngày 11-10, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép các quan chức Mỹ soạn thảo các lệnh trừng phạt mới “rất đáng kể” nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 11-10 là ngày thứ ba Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng đã có 399 “kẻ khủng bố” bị vô hiệu hóa.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay Chiến dịch mùa xuân hòa bình được phát động phù hợp với luật pháp quốc tế, Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến chống khủng bố.