Ngày 25-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga nên cập nhật học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể thúc đẩy Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, theo đài RT.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, ông Putin đề xuất mở rộng danh sách các mối đe dọa có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân của Nga.
Học thuyết hạt nhân hiện tại quy định Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trường hợp nước này phải đối mặt mối đe dọa hiện hữu từ chiến tranh thông thường.
“Hành động xâm lược chống lại Nga từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ nên được coi là cuộc tấn công chung của cả hai” - ông Putin nói.
Ông Putin nói thêm rằng Moscow cũng sẽ “cân nhắc” sử dụng phản ứng hạt nhân nếu có “thông tin đáng tin cậy” về một cuộc không kích lớn do một quốc gia thực hiện nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc đồng minh thân cận nhất của Nga là Belarus.
Theo ông Putin, vũ khí được đối phương sử dụng trong cuộc tấn công như vậy có thể là tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay chiến lược, máy bay không người lái (UAV),…
“Chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có hành động xâm lược chống lại Nga và Belarus. Vũ khí hạt nhân [của Nga] có thể được sử dụng nếu kẻ thù gây ra mối đe dọa nghiêm trọng bằng vũ khí thông thường” - nhà lãnh đạo Nga giải thích.
Ông Putin không nói rõ khi nào những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga sẽ có hiệu lực.
Các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói về những thay đổi tiềm năng đối với học thuyết hạt nhân của Nga trong những tháng gần đây.
Vào cuối tháng 8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết việc thay đổi “đang được xem xét”.
Theo RT, ông Putin trước nay thường thể hiện lập trường khá dè dặt về vấn đề vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 6, ông Putin bày tỏ hy vọng rằng “sẽ không bao giờ” xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân giữa Nga và phương Tây.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF, Nga) khi đó, ông Putin lưu ý Moscow chỉ coi vũ khí hạt nhân là lựa chọn cuối cùng.