Tuần rồi tại TP Vladivostok ở vùng Viễn Đông (Nga) diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều giữa Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Chuyện ông Kim muốn ông Putin giúp đỡ để giảm gánh nặng trừng phạt là điều dễ nhận thấy hơn là chuyện ông Putin muốn gì ở ông Kim. Dĩ nhiên ông Putin có những mục đích của riêng mình khi gặp ông Kim.
Trong một bài viết trên Fox News, nữ Tiến sĩ Rebecca Grant đưa ra nhận định về những điều ông Putin muốn ở ông Kim qua cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai ông.
Tiến sĩ Grant là một nhà phân tích an ninh quốc gia ở Mỹ, từng trợ tá cho Tổng Tham mưu trưởng Không quân Mỹ. Bà Grant là người sáng lập tổ chức Nghiên cứu Độc lập IRIS, chuyên nghiên cứu, phân tích từ các chiến dịch quân sự đến các dự án thu mua công nghệ lớn như công nghệ máy bay ném bom B-21.
Vậy theo Tiến sĩ Grant, ông Putin muốn gì ở ông Kim?
Thứ nhất, là về kinh tế. Ông Putin có hàng loạt giao dịch làm ăn muốn ký với Triều Tiên một khi trừng phạt được dỡ bỏ. Quan trọng nhất trong số đó là muốn xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn từ TP Vladivostok ở vùng Viễn Đông (Nga) sang Hàn Quốc. Hàn Quốc là nước nhập khẩu khí LNG lớn thứ hai thế giới, và hiện tại thì toàn bộ lượng khí LNG chuyển đến Hàn Quốc đều bằng tàu. Vấn đề nằm ở chỗ tuyến đường ống tối ưu nhất lại phải chạy qua Triều Tiên. Giao dịch này vẫn đang trong quá trình thương lượng kể từ cuộc gặp thương đỉnh Nga-Triều năm 2011, và sẽ chưa được thực hiện chừng nào các lệnh trừng phạt Triều Tiên chưa được dỡ bỏ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại trường Đại học Liên bang Viễn Đông ở đảo Rusky thuộc TP Vladivostok ở vùng Viễn Đông (Nga) ngày 25-4. Ảnh: GULF NEWS
Thứ hai, nhằm làm hài lòng Hàn Quốc. Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng thăm Nga 3 ngày, đối thoại với ông Putin về 9 sáng kiến lớn giữa hai nước. Ông Moon muốn đối thoại với Triều Tiên và ông Putin sẵn sàng giúp đỡ. Với cả Nga và Hàn Quốc, chuyến thăm Nga này của ông Moon và một cú tát ngoại giao với Trung Quốc vốn đã bất mãn khi Hàn Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không THAAD của Mỹ năm 2017.
Thứ ba, thu hút sự chú ý của thế giới. Nga bị loại khỏi nhóm G8 sau khi sáp nhập lãnh thổ Crimea từ Ukraine. Nga là một thành viên trong cuộc đối thoại sáu bên với Triều Tiên, nhưng cuộc đối thoại này đã bị ngưng trệ từ nhiều năm trước. Theo Tiến sĩ Grant, đón tiếp và gặp gỡ ông Kim sẽ giúp ông Putin đưa Nga quay lại trường thế giới.
Thứ tư, làm đòn bẩy với Trung Quốc. Ông Putin biết rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dõi diễn biến gặp nhau giữa ông và ông Kim. Đối phó với một Trung Quốc đang vươn cao không phải chuyện đơn giản với ông Putin. Kinh tế Nga chỉ chừng 10% kinh tế Trung Quốc. Quy mô quân đội Nga có mạnh hơn Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại đang dần bắt kịp rất nhanh. Tranh thủ Triều Tiên là chuyện mà cả Nga và Trung Quốc đều đã làm kể từ thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov và Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông thập niên 1950. Ông Putin đối thoại với ông Kim có một phần mục tiêu này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trao đổi thanh kiếm nghi lễ làm quà tặng sau cuộc gặp ở TP Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông (Nga) ngày 25-4. Ảnh: AP
Thứ năm, tìm kiếm hòa bình và yên tĩnh. Nga – và thế giới – đã thật sự lo Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phát động chiến tranh trước khi có quyết định ngưng thử tên lửa của ông Kim hồi tháng 11-2017. Nên nhớ, tên lửa Triều Tiên cũng có thể bắn tới Nga. Nga có khoảng 180km biên giới đường bộ với Triều Tiên và luôn canh phòng kỹ để ngăn chặn người tị nạn Triều Tiên vượt biên vào nước mình. Ông Putin biết rõ Mỹ có thể đánh bại quân đội Triều Tiên, và cũng biết nếu Triều Tiên rơi vào hỗn loạn thì chắc chắn không phải là điều tốt với Nga.
Thứ sáu, giải trừ hạt nhân. Đúng là ông Putin muốn Triều Tiên giải trừ hạt nhân. Lâu nay ông Putin vẫn rất tích cực tham gia các nỗ lực để Triều Tiên làm điều này. Tính tới thời điểm này, Nga dù có quyền phủ quyết ở HĐBA LHQ nhưng vẫn quyết định để HĐBA ra nhiều lệnh trừng phạt Triều Tiên. Trong cuộc gặp với ông Putin tại Helsinki (Phần Lan) năm 2018, ông Trump đã dành thời gian thông tin với ông Putin về cuộc gặp của ông với ông Kim ở Singapore trước đó. Chỉ tuần trước, Đại diện đặc biệt Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun có một cuộc gặp “có tính chất xây dựng” tại Moscow với các nhà ngoại giao Nga, nói về giải trừ hạt nhân cũng như kế hoạch thượng đỉnh Nga-Triều.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bữa tiệc chiêu đãi sau hội đàm tại trường Đại học Liên bang Viễn Đông ở đảo Rusky thuộc TP Vladivostok ở vùng Viễn Đông (Nga) ngày 25-4. Ảnh: AFP
Liệu Mỹ có cần phải lo khả năng ông Putin gây rắc rối? Theo Tiến sĩ Grant thì chưa cần phải lo. Nếu ông Putin muốn bí mật hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên thì đã không cần phải có một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim để làm điều này. Một điều lo ngại là có thể có sự hợp tác về mạng giữa hai nước.
Một điều nữa, Nga có thể sẽ thực sự hỗ trợ tiến trình giải trừ hạt nhân một khi ông Kim sẵn sàng. Nga đã có kinh nghiệm trong việc giải trừ hạt nhân từ thập niên 1990.
Tóm lại, theo Tiến sĩ Grant, cuộc gặp giữa ông Kim với ông Putin đối với Mỹ là lợi nhiều hơn hại.