Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Moscow sẽ tiếp tục nâng cấp kho vũ khí hạt nhân do tình hình toàn cầu hiện nay cùng những mối đe dọa hiện tại, theo hãng tin Sputnik.
“Vũ khí Nga vô song”
“Xét tới những rủi ro chính trị và quân sự hiện đại, chúng tôi sẽ nâng cấp hơn nữa lực lượng hạt nhân chiến lược và sẽ từng bước củng cố tất cả các thành phần của lực lượng hạt nhân. Nga sẽ tiếp tục phát huy tiềm lực quân sự hạt nhân của mình ở mức đủ cần thiết” – ông Putin cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh mặc dù những mối đe dọa đó có thể thay đổi nhưng bộ ba hạt nhân vẫn là những nguồn đảm bảo chính cho an ninh quốc gia. Ông Putin nói việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới Nga là một trong những thách thức chính mà Moscow đối mặt lúc này.
Nhà lãnh đạo Nga lên án việc NATO từ chối cắt giảm hoạt động quân sự giữa đại dịch COVID-19 bất chấp trước đó Nga có ra đề nghị này.
Tổng thống Putin sau đó ca ngợi những tiến bộ mà nước này đạt được trong phát triển vũ khí chiến lược trong những năm gần đây. Ông Putin lưu ý nhiều trong số những vũ khí này không có đối thủ trên thế giới và có khả năng vẫn là “độc nhất vô nhị” trong những năm tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và ông Andrei Terlikov, người đứng đầu Cục thiết kế chế tạo máy giao thông Ural kiểm tra một phương tiện chiến đấu bộ binh và xe tăng chiến đấu tại nhà máy Uralvagonzavod (Nga) năm 2015. Ảnh:Alexei Nikolskyi/REUTERS
Ông Putin nhấn mạnh Nga không có kế hoạch tham gia một cuộc chạy đua vũ trang “mệt mỏi” và không cần thiết phải làm như vậy. Ông Putin còn đề cập vấn đề về Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START) vốn sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, nhấn mạnh rằng tương lai của hiệp ước này vẫn còn mù mịt.
“Tài liệu này đảm bảo mức độ minh bạch cần thiết về kho vũ khí, vũ khí hạt nhân chiến lược và hạn chế cuộc chạy đua không kiểm soát” – ông Putin nhấn mạnh.
Sau các cuộc đàm phán về gia hạn New START trong một thời gian dài nhưng kết thúc trong bế tắc, Moscow và Washington tiến hành đàm phán về việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí này thêm một năm. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán này đến nay không mang lại kết quả.
Nga đề nghị gia hạn New START một năm mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Trong khi đó, Mỹ yêu cầu hai nước đóng băng kho vũ khí hạt nhân trong thời gian gia hạn. Sau khi Điện Kremlin chấp nhận điều kiện này, các cuộc đàm phán lần nữa rơi vào ngõ cụt do Mỹ yêu cầu một cơ chế xác minh hiệu quả.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gọi yêu cầu này là không thể chấp được vì về cơ bản những yêu cầu này đòi hỏi Moscow cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận “những thành tố nhạy cảm nhất của an ninh quốc gia Nga”. Ông Ryabkov chỉ trích Washington không sẵn sàng tìm ra một thỏa thuận có thể chấp nhận được trong vấn đề này.
NATO đã cắt giảm 90% số vũ khí hạt nhân
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 10-11 nói rằng thế giới cần khẩn trương theo đuổi việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng lưu ý rằng điều này phải diễn ra một cách cân bằng, tương hỗ và có thể kiểm chứng.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Cùng với đó, chúng tôi đã cắt giảm hơn 90% số vũ khí hạt nhân ở châu Âu trong 30 năm qua. Tuy nhiên, trong một thế giới đầy bất ổn, những vũ khí này tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong việc gìn giữ hòa bình” – ông Stoltenberg phát biểu tại hội nghị về Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) thường niên của NATO hôm 10-11.
Một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. Ảnh: AP
Đề ra các bước tiến tới giải trừ hạt nhân, ông Stoltenberg nói rằng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mang lại cơ hội tốt nhất để hạn chế kho vũ khí nguyên tử. Ông chỉ ra có tới hàng chục ngàn vũ khí hạt nhân đã bị loại bỏ.
Tổng thư ký NATO kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệp ước và hợp lực để đảm bảo sự thành công của Hội nghị Đánh giá NPT năm tới.
Bên cạnh đó, ông Stoltenberg phản đối một hiệp ước của Liên Hợp Quốc về việc cấm vũ khí hạt nhân vì cho rằng hiệp ước này sẽ làm suy yếu NPT và coi thường thực tế an ninh ngày nay.
“Từ bỏ biện pháp ngăn chặn của chúng tôi mà không có bất kỳ đảm bảo cho việc những người khác sẽ làm như vậy là một lựa chọn nguy hiểm. Một thế giới nơi mà Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và những nước khác có vũ khí hạt nhân, nhưng NATO thì không có, không phải là thế giới an toàn” – ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg kêu gọi Mỹ và Nga tiếp tục đi đầu trong việc kiểm soát vũ khí, hoan nghênh cuộc đối thoại giữa hai cường quốc hạt nhân về việc gia hạn New START. Ông Stoltenberg nói rõ Trung Quốc hiện nay cũng có trách nhiệm tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí.
Hội nghị WMD của NATO năm nay do Romania tổ chức, quy tụ hơn 200 quan chức từ hơn 50 nước. Do dịch COVID-19, sự kiện này năm nay được tổ chức trực tuyến.