Ngày 13-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bác bỏ nội dung Mỹ muốn đưa vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) để gia hạn hiệp ước này, theo hãng tin Sputnik.
Trước đó cùng ngày, tại một sự kiện do Quỹ Heritage tổ chức, Đặc phái viên Mỹ Marshall Billingslea nói “trên thực tế, Mỹ sẵn sàng gia hạn Hiệp ước New START thêm một khoảng thời gian, với điều kiện là Nga sẽ đồng ý hạn chế, tức giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân của họ".
Theo Thứ trưởng Ryabkov, việc Mỹ đề nghị Nga giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân như một phần của thỏa thuận gia hạn là “không thể chấp nhận được”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: SPUTNIK
Thứ trưởng Ryabkov cũng tuyên bố Moscow sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào về New START được đưa ra trùng với khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3-11.
Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021 và có thể gia hạn thêm năm năm nếu hai quốc gia đạt được thỏa thuận, Sputnik cho biết.
Moscow lâu nay thúc giục gia hạn New START. Ý Nga muốn chỉ đơn thuần gia hạn vì không còn đủ thời gian để đàm phán lại hiệp ước. Nga cũng không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho việc gia hạn.
Đặc phái viên Mỹ Marshall Billingslea khẳng định Mỹ sẵn sàng gia hạn Hiệp ước News START với Nga. Ảnh: REUTERS
Phần mình, chính quyền Washington cũng nhiều lần khẳng định Mỹ sẵn sàng gia hạn Hiệp ước với Nga dù trong ngắn hạn, nhưng với một số điều kiện đi kèm, Sputnik đưa tin.
Cụ thể, Mỹ muốn đảm bảo một chế độ kiểm chứng hiệu quả phải được thực hiện để khôi phục lòng tin rằng các bên tham gia sẽ tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận trong tương lai.
Theo giới chuyên gia, Hiệp ước New START là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân, bởi ở giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tấn công bên kia.