Ngày 29-3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) cho biết đang tiến hành điều tra, xác minh đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, liên quan đến Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty khác.
Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 BLHS.
Đồng thời, công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, về tội danh nêu trên.
Đặc biệt, để phục vụ điều tra, trong ngày 29-3, cơ quan tố tụng đã tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan trong vụ án này.
Cơ quan điều tra Bộ Công an khám xét trụ sở công ty, nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: MINH TRÚC
Tội thao túng thị trường chứng khoán Điều 211 BLHS quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền 2-4 tỉ đồng hoặc phạt tù 2-7 năm: a) Có tổ chức. b) Thu lợi bất chính 1,5 tỉ đồng trở lên. c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỉ đồng trở lên. d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 50-250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. |
Các quyết định, lệnh trên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đều đã được VKSND Tối cao (Vụ 3) phê chuẩn.
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 26-3, cơ quan điều tra Bộ Công an đã tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết thời hạn một tháng để phục vụ điều tra, xác minh một số vụ việc.
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: FLC
Ông Trịnh Văn Quyết, 47 tuổi, quê huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, khởi nghiệp với nghề luật sư khi cùng các cộng sự mở Văn phòng luật SMiC năm 2001 và chuyển thành Công ty Luật TNHH SMiC năm 2008.
Thương hiệu FLC được hình thành đầu năm 2010, dựa trên việc hợp nhất các doanh nghiệp được thành lập bởi ông Quyết trước đó.
Đến năm 2019, FLC thành lập Bamboo Airways và nhanh chóng có chỗ đứng trong thị trường hàng không Việt Nam. Tính đến đầu năm 2021, FLC có vốn điều lệ đạt 10.500 tỉ đồng.
Ghi nhận tại thời điểm tháng 1-2022, ông Quyết sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC (tương đương khoảng 30% vốn) cùng hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty thành viên như ROS, ART, BOS, GAB...
Chủ tịch FLC từng nằm trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, hôm 10-1, ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó. Ít ngày sau, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra thông báo hủy bỏ giao dịch này và nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.
Căn cứ hành vi vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết 1,5 tỉ đồng, là cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán. Ngoài ra, ông còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán năm tháng.
Đây là lần thứ hai ông Quyết bị phạt với hành vi tương tự. Hồi tháng 11-2017, ông Quyết bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý thị trường.
Tập đoàn FLC thông tin về hoạt động sau khi ông Quyết bị bắt Tối 29-3, FLC có thông cáo báo chí về việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Theo FLC, vụ việc liên quan đến cá nhân ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán trong thời gian gần đây và vẫn đang trong quá trình điều tra ban đầu, chưa có kết luận chính thức. Ông Quyết đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề liên quan. FLC khẳng định vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với tập đoàn. Ông Trịnh Văn Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn FLC. Bà Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Quyết thực hiện các công việc, quyền của chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, chủ tịch HĐQT Công ty CP Hàng không Tre Việt; cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty. Đồng thời, ông Quyết cũng ủy quyền cho bà Yến toàn bộ quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông. Ban lãnh đạo của FLC cũng đã họp và nhanh chóng đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của FLC diễn ra ổn định trong tình hình mới, theo đúng mục tiêu, kế hoạch mà HĐQT và ban tổng giám đốc đã đặt ra. |