Quyết định tấn công bất ngờ Syria là kết quả cuộc cách mạng một đêm của Tổng thống Mỹ Donald Trump – vốn trước đó vẫn hay cảnh báo Mỹ không can dự vào Syria, một trong những đia điểm xung đột dai dẳng nhất thế giới.
Hoàn toàn tỉnh táo khi tuyên bố tấn công Syria tối 6-4, ông Trump cho rằng hành động này hoàn toàn nằm trong khung chính sách đối ngoại “ưu tiên Mỹ” của ông, ngăn chặn vũ khí hóa học phục vụ quyền lợi an ninh quốc gia sống còn của Mỹ.
Ông Trump nói rằng mình choáng váng vì các hình ảnh trẻ em thiệt mạng trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học đã xảy ra một ngày trước đó ở Syria mà ông cho là chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad là thủ phạm. Rằng ông không thể chấp nhận việc ông Assad giết công dân mình.
Dù thế nào, hành động của ông Trump rõ ràng vẫn cho thấy quan điểm của ông về vai trò của Mỹ trên thế giới đã thay đổi, theo AP. Mới tuần trước, hai nhà ngoại giao hàng đầu của ông Trump là Ngoại trưởng Rex Tillerson và đại sứ Mỹ tại LHQ Nikkei Haley đều tuyên bố trọng tâm của Mỹ ở Syria là tiêu diệt IS chứ không phải lật đổ chính phủ Assad.
Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu USS Porter của Mỹ từ Địa Trung Hải tới Syria tối 6-4. Ảnh: US NAVY
Có thể nói ông Trump là một trong những tổng thống đầu tiên có bước thay đổi chính sách nhanh nhất, chỉ sau 77 ngày nhậm chức. Trong khi trước đó ông Trump có nhiều năm dài cảnh báo các lãnh đạo Mỹ rằng Syria là một bãi lầy nguy hiểm.
Suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump luôn thể hiện một quan điểm hoàn toàn khác về Syria cũng như về chính sách đối ngoại. Đó là ý hướng muốn co cụm, thể hiện qua việc muốn xây tường ngăn biên giới với Mexico, hủy bỏ các thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác quốc tế. Đặc biệt ông Trump còn nói Trung Đông là một trong những khu vực ông muốn né tránh nhất trên thế giới.
Đáng nói hơn, ông Trump từng đề nghị Tổng thống Barack Obama không tấn công Syria, dù lúc đó cũng sau một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.
“Một lần nữa, thưa vị lãnh đạo xuẩn ngốc của chúng ta, đừng tấn công Syria. Nếu ông làm thế, sẽ có rất nhiều điều tồi tệ xảy đến và Mỹ chẳng được gì cả” – ông Trump từng viết trên Twitter.
Thời điểm đó Tổng thống Obama gần như đã đi đến quyết định tấn công Syria, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Ông Obama đã kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu về khả năng này, nhưng Quốc hội yên lặng. Sau đó ông hợp tác với Nga trong kế hoạch hủy bỏ kho vũ khí hóa học của Syria. Nỗ lực này đã không thành công. Vụ tấn công gần nhất là một minh chứng.
Hiện chưa rõ chiến lược dài hạn của ông Trump về Syria. Tuy nhiên về ngắn hạn, quyết định đưa nước Mỹ can dự sâu hơn ở Syria của ông Trump giúp ông nhận được sự hoan hô trong nội bộ đảng Cộng hòa, thậm chí ở một số thành viên Dân chủ vốn trước đây vẫn kiềm chế hành động về Syria.
“Tổng thống Trump tối nay đã khiến nhiều người hoài nghi về mình – cả trong nước và nước ngoài – phải nhìn nhận lại về ông” – theo nhà chiến lược Cộng hòa Kevin Kellems từng làm việc trong đội tranh cử của ông Trump và từng cố vấn Phó Tổng thống Dick Cheney.
Không chỉ là thông điệp thẳng thừng gửi đến ông Assad, cuộc tấn công này còn là một tín hiệu gửi đến Nga và Iran - hai nhà tài trợ chính của Syria, cũng như với Trung Quốc – nước Mỹ cho là chưa làm hết sức để kiềm chế Triều Tiên. Đáng chú ý ông Trump ra lệnh tấn công Syria ngay trước khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giữa thời điểm hai nước đang rất căng thẳng quanh các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích nhận định đây là đòn dọa Trung Quốc hiệu quả, rằng “tổng thống có thể ra quyết định tấn công nếu cần thiết” – theo như lời Ngoại trưởng Mỹ Tillerson.