Cuộc trò chuyện nhân ngày Quốc khánh 2-9 giữa Pháp Luật TP.HCM với TS Võ Đại Lược, người đã từng là cố vấn cho các Tổng Bí thư Trường Chinh, Đỗ Mười; các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, cũng xoay quanh vấn đề này.
TS Võ Đại Lược nói: “Những băn khoăn, day dứt của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chắc chắn xuất phát từ những thực tại chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước hiện nay. Yêu cầu phải trong sạch hóa hệ thống lại được đặt ra hơn bao giờ hết. Nó có thể bắt đầu cho một giai đoạn đổi mới tiếp theo khi động lực đổi mới trong 30 năm qua, từ 1986 đã phát huy hết tác dụng”.
“Chúng ta trở về nền kinh tế kế hoạch”
. Phóng viên: Thưa ông, những thực tại mà ông vừa đề cập cụ thể là gì? Nó có phải là lời cảnh báo cho không chỉ người dân?
+ TS Võ Đại Lược: Về kinh tế, ngoài những tác động của tình hình thế giới thì kinh tế trong nước cũng có những vấn đề nghiêm trọng cần nhìn nhận thẳng thắn. Chẳng hạn, mức tăng trưởng thấp, xuất khẩu, ngay cả lĩnh vực da giày cũng gặp khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái.
Chúng ta nói đến kinh tế thị trường và để thị trường điều tiết nguồn lực. Nhưng vấn đề độc quyền vẫn còn rất gay gắt. Ngay như giá cả đầu vào cũng toàn độc quyền và do Chính phủ quyết định. Tỉ giá đồng tiền vẫn cố định trong khi các đồng tiền khác đều hạ. Mà hậu quả của việc đồng tiền tỉ giá cao là nền kinh tế sẽ chỉ là gia công, gia công từ nông nghiệp trở đi. Lãi suất thì cao nhất thế giới, 7%-10%. Như thế thì doanh nghiệp (DN) làm sao sống được.
Các tín hiệu thị trường vì thế gần như tê liệt khi Nhà nước quyết định hết. Kết quả là chúng ta trở về nền kinh tế kế hoạch chứ không phải kinh tế thị trường.
. Như vậy, khi những tín hiệu của kinh tế thị trường chưa thực sự rõ nét thì lợi ích quốc gia không được quan tâm đúng mực phải không, thưa ông?
+ Đúng. Bởi khi đó lợi ích quốc gia sẽ bị các nhóm lợi ích cục bộ ở các bộ, ngành, địa phương, công ty thân hữu chia chác hết cả. Biểu hiện của nó rõ nhất là ở khâu đầu tư công. Tôi chưa thấy một quốc gia tiên tiến nào trên thế giới mà một ông phó thủ tướng, một bộ trưởng có thể “cắt” hàng ngàn tỉ đồng cho các cơ quan, địa phương… mà không cần qua kiểm soát, giám sát và phê chuẩn. Tình trạng này chúng ta được chứng kiến trước Đại hội XII, nhiều nơi, nhiều cơ quan, viện nghiên cứu… được cấp hàng ngàn tỉ đồng để xây trụ sở, rất lãng phí. Ngân sách, tiền của dân mà giao cho một người quyết như vậy thì thế nào. Ấy là chưa kể đến việc địa phương, cơ quan… đó khi nhận 10 đồng thì thất thoát 3 đồng. Cứ như vậy làm gì nợ công, nợ xấu chẳng cao.
Nợ xấu tuy đã được Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn hơn nhưng rõ ràng là chưa được giải quyết được một sớm một chiều. Nguồn vốn của chúng ta hiện nay đang dựa vào một hệ thống ngân hàng yếu kém, kết cấu rất lỏng lẻo. Vừa qua, có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng. Điều này rất khác so với các nền kinh tế khác khi họ cho phá sản ngay những ngân hàng không hiệu quả. Đằng này chúng ta mua lại 0 đồng, nghĩa là biến nợ xấu ngân hàng thành nợ công.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, đừng để tham nhũng xảy ra. Trong ảnh: Xét xử vụ Công ty Cho thuê tài chính II tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
63 tỉnh, thành là 63 nền kinh tế riêng biệt
. Nhưng cơ sở hạ tầng vẫn được coi là phát triển khi những đường cao tốc, quốc lộ được xây dựng và đưa vào vận hành, thưa ông?
+ Anh hãy để ý, cứ ra khỏi Hà Nội là anh sẽ phải đóng phí đường. Đó là những con đường BOT, tôi cho đó là không hay. Ở các nước, loại đường BOT chỉ chiếm 10%, còn lại là các đường huyết mạch. Nhưng ở ta hiện giờ thì ngược lại.
Rồi vấn đề liên kết vùng. Tôi khẳng định ngay là không có liên kết này. 63 tỉnh, thành là 63 nền kinh tế riêng biệt. Khi anh Thăng (Bí thư Đinh La Thăng - PV) về làm bí thư TP.HCM, tôi đã viết thư đề nghị TP.HCM làm liên kết vùng, trong đó TP.HCM sẽ là mắt xích chủ yếu. Anh Thăng cũng cố gắng làm nhưng cũng khó. Bởi các tỉnh sẽ cạnh tranh với nhau chứ không tự nguyện liên kết nếu không có quyết định từ trung ương. Đó là thực tế.
. Những bất cập như ông vừa nói phải chăng có nguyên nhân từ việc đổi mới 30 năm qua chưa đụng chạm đến vấn đề cốt lõi?
+ Tôi cũng như nhiều lãnh đạo đã nhấn mạnh và nói rất nhiều lần rằng: Vấn đề rất quan trọng là đổi mới chính trị. Chúng ta đừng nghĩ chính trị theo hướng đây là điều cấm kỵ. Bởi lẽ hiện tại chính trị của ta hiện nay là “xin-cho”, chạy chức chạy quyền, chạy biên chế là chính. Tôi cho rằng nên có đổi mới chính trị để thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực.
Nếu hệ thống chính trị mà không có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu thì không thể phát triển được. Điều này đòi hỏi Đảng cần phải hóa thân để thực hiện tốt nhất sứ mạng của mình đối với đất nước. Tôi hy vọng chúng ta sẽ nhìn thẳng vào các vấn đề của xã hội để có những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Trên đầu to tướng chữ “tư”
. Ông nói đến cơ chế “xin-cho” rất nhiều lần, kể cả trong những lần góp ý cho văn kiện Đại hội XII của Đảng. Phải chăng đó là nguồn cơn của tất cả bất cập mà chúng ta đang bàn?
+ Kết luận của hầu hết các nhà kinh tế là: Yếu tố quyết định quá trình chuyển đổi là thể chế. Chúng ta đang chuyển đổi nhưng việc chuyển đổi lại đang rất phức tạp về mô hình và
định hướng.
Đột phá quan trọng nhất phải tính đến đó là trọng dụng nhân tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia nhưng trong cơ chế chúng ta hiện nay, một cơ chế mua quan bán chức khắp nơi dường như công khai. Thị trường quan chức dường như rất phát triển. Hiền tài dường như đứng ngoài hệ thống quan chức của chúng ta. Vì hiền tài có tư cách của họ, họ không bỏ tiền ra để mua bán chức tước. Còn những kẻ ít tài, thất đức mới phải bỏ tiền ra mua. Khi mua được rồi thì nó phải kiếm chác, không những bù vốn mà còn phải có lãi.
Khi gặp các giáo sư của Nhật Bản, Hàn Quốc, họ nói: Chúng tôi khác các ông một điểm rất cơ bản. Thời chúng tôi kém phát triển, cố gắng đi lên, trên đầu quan chức của chúng tôi chỉ có một chữ “công” thôi. Còn giờ tôi sang đất nước các ông, tôi thấy quan chức các ông trên đầu to tướng chữ “tư”. Thế thì làm sao đất nước các ông phát triển được!
. Xin cám ơn ông.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao: Quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, đừng để tham nhũng xảy ra Pháp luật về phòng, chống tham nhũng của ta đã khá đầy đủ. Vấn đề là khâu thực hiện. Tuy vậy, điều quan trọng nhất lại nằm ở việc phòng ngừa tham nhũng chứ không phải chống. Bởi khi nói “chống tham nhũng”, tức là tham nhũng đã xảy ra rồi. Đây là vấn đề toàn diện. Tham nhũng chủ yếu là từ cán bộ, công chức. Vậy chúng ta phải làm sao để cán bộ, công chức không cần, không dám và không phải tham nhũng. Chế độ, chính sách phải để cán bộ, công chức có thể đủ nuôi sống gia đình. Sau nữa, cần phải giáo dục đạo đức, lòng tự trọng và những phẩm chất của cán bộ, công chức để họ không cần, không dám tìm kiếm những thu nhập bất chính ngoài công sức lao động của mình. Nhiều tỉ phú trên thế giới còn đem tiền của mình đi làm từ thiện. Lòng bác ái lúc này đã choán hết, không có chỗ cho lòng tham. Khi lòng tham che khuất tất cả thì mọi tiêu cực sẽ sinh ra. Chống tham nhũng tuy là rất quan trọng nhưng phải làm sao để đây trở thành khâu cuối cùng. Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng: Vấn đề quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, đừng để tham nhũng xảy ra. Phòng ngừa bằng kinh tế-xã hội, bằng văn hóa giáo dục, bằng tuyên truyền, bằng pháp luật. Pháp luật phải là biện pháp phòng ngừa cuối cùng. Chúng ta phải xem xét gốc của vấn đề tham nhũng nằm ở đâu. Phải chăng ở quan hệ kinh tế? Chính sách giáo dục, đào tạo? Chính sách an sinh xã hội? Vấn đề phát hiện tham nhũng bây giờ cũng rất khó khi tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu. Việc giám sát thu nhập vì thế rất khó khăn. Công tác kê khai, minh bạch tài sản như ta đã thấy thực sự chưa phát huy tác dụng gì. |