Cuối ngày 20-4 (giờ Việt Nam), lần đầu tiên trong lịch sử, dầu thô WTI đã chốt phiên ở mức -37,63 USD/thùng, mức giá phá vỡ mọi tiền lệ và dự đoán về loại vàng đen này.
Từ trước tới nay, dầu thô Brent và dầu thô WTI luôn song hành về mức giá nhưng trong phiên giao dịch đầu tuần, dầu WTI lại có sự mất giá đột biến mạnh so với dầu Brent.
Cụ thể, giá dầu thô WTI giao hàng tháng 5 rơi xuống -37,63 USD/thùng, dầu Brent chỉ giảm 8,9% trong đêm qua xuống còn 25,57 USD/thùng.
Giá dầu WTI hợp đồng tháng 6 giảm 10% còn 22,54% USD/thùng, hợp đồng tháng 7 giảm 5%, còn 28 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent hợp đồng tháng 6 giảm còn 26,13 USD/thùng.
Giá âm là dấu hiệu mới nhất cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng với ngành dầu mỏ sau khi nhu cầu dầu thô giảm tới 1/3 do nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới phải đóng cửa. Điều này đã khiến cho ngành công nghiệp dầu mỏ phải đối mặt với cái mà nhiều nhà phân tích gọi là "triển vọng vĩ mô về dầu ảm đạm nhất từng thấy trong lịch sử", theo kênh tài chính CNBC.
Giá âm là dấu hiệu mới nhất cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng với ngành dầu mỏ giữa đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: AFP
Brent và WTI - khác nhau như thế nào?
Thế giới có hơn 160 loại dầu khác nhau nhưng đang lấy dầu Brent và West Texas Intermediate (WTI) làm tiêu chuẩn giao dịch.
Sự khác biệt chính giữa Brent và WTI là Brent bắt nguồn từ các mỏ dầu ở biển Bắc, trong khi WTI có nguồn gốc từ các mỏ dầu của Mỹ nằm chủ yếu ở các bang Texas, Louisiana và North Dakota. Cả Brent và WTI đều là dầu nhẹ và ngọt, dễ tinh luyện thành xăng.
Hiện Brent là loại dầu thô phổ biến hơn và được hầu hết thị trường dầu trên thế giới dùng làm giá chuẩn trong khi WTI phổ biến ở Mỹ. Brent được sản xuất gần biển, do đó chi phí vận chuyển thấp hơn đáng kể. Ngược lại, WTI do khai thác trong đất liền, khiến cho chi phí vận chuyển trở nên đắt đỏ hơn.
Một yếu tố khác chi phối sự khác biệt giữa Brent và WTI là vấn đề địa chính trị. Đơn cử, nếu Trung Đông căng thẳng dữ dội và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - bên kiểm soát gần 40% nguồn cung dầu thế giới có bất kỳ động thái nào thay đổi nguồn cung thì giá Brent sẽ biến động mạnh.
Trong khi đó, WTI ít bị ảnh hưởng bởi do nằm sâu trong đất liền ở Mỹ. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang diễn ra ngược lại khi WTI lao dốc vì nhiều lý do, trong đó lớn nhất vẫn là tác động của tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ.
Cầu giảm mạnh vì đại dịch COVID-19
Dưới tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 dự báo chỉ đạt mức 2,2%-2,8% so với dự báo ban đầu là 3,3% theo cảnh báo của hàng loạt các tổ chức kinh tế - tài chính thế giới, theo hãng tin Bloomberg.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng trong đó có dầu thô sẽ giảm. Nhu cầu đi lại hoạt động giao thông vận tải gần như giảm về 0, các hoạt động sản xuất công nghiệp đình trệ tới mức tối thiểu do chính phủ nhiều nước quyết định đóng cửa biên giới, người dân bị phong tỏa ở yên trong nhà...
Quảng trường Thời đại ở TP New York, Mỹ vắng lặng trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực. (Ảnh chụp ngày 10-4) Ảnh: CNN
Hậu quả của những biện pháp hạn chế đi lại đã làm giá dầu thế giới từ đầu năm đến nay liên tục đi xuống do nhu cầu giảm mạnh. Chỉ trong ba tháng, dầu WTI đã mất đến 70% giá.
Như đã đề cập ở trên, dầu Brent là loại sản xuất tại biển Bắc còn dầu WTI là dầu khai thác trong đất liền của Mỹ. Cường quốc Mỹ không chỉ đang chìm trong khủng hoảng vì COVID-19 mà còn là một trong những nước chịu áp lực rất lớn khi nhu cầu dầu giảm.
"Tình hình dầu của Mỹ khá thảm. Tôi cho rằng không có bất kỳ hy vọng nào về việc cải thiện đến ít nhất là cuối tháng tới. Giá dầu sẽ vẫn chịu áp lực" - nhà phân tích Daniel Hynes tại công ty nghiên cứu thị trường ANZ cho biết.
Trước khủng hoảng này, giới chuyên gia dự báo rằng thị trường sẽ sớm chứng kiến cảnh các nhà sản xuất dầu tại Mỹ giảm mạnh sản lượng hơn nữa để "đẩy giá lên cao hơn một chút". Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng biện pháp này vẫn không đủ để giảm thiểu tác động khi nhu cầu giảm quá mạnh.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu dầu trong tháng 4 có thể thấp hơn 29 triệu thùng/ngày so với một năm trước, mức thấp từng được ghi nhận kể từ năm 1995.
"Dù vậy, vấn đề thực sự của sự mất cân đối cung cầu dầu toàn cầu bắt đầu thực sự ở tình trạng quá tải lưu trữ. Khi việc sản xuất vô tội vạ không được giải quyết thì các kho dầu đang đầy lên mỗi ngày và giá cứ đi xuống. Hiện các kho lưu trữ dầu toàn cầu đã tiệm cận mức 70% và luôn trong tình trạng phải hoạt động tối đa" - theo chuyên gia phân tích Bjornar Tonhaugen thuộc công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy.
Tình trạng thừa mứa các kho lưu trữ dầu ở Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đang kéo giá dầu đi xuống. Ảnh minh họa: REUTERS
Theo IEA, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng kỷ lục 19,2 triệu thùng trong tuần trước, đến nay tổng cộng là khoảng 61 triệu thùng.
Đồng quan điểm, chiến lược gia mảng hàng hóa Helima Croft công ty tư vấn RBC Capital chỉ ra mức dầu thô thừa nhiều đến mức các nhà máy lọc dầu không đủ công suất để tinh chế kịp.
"Ngay lúc này, chúng tôi không thấy bất kỳ sự hỗ trợ ngắn hạn nào cho thị trường dầu. Chúng tôi thực sự lo ngại về triển vọng của thị trường dầu trong ngắn hạn" - bà Croft nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dầu thô ùn ứ trong các kho lưu trữ kéo theo các chi phí bảo quản tăng cao. Việc này khiến các hãng sản xuất dầu sẵn sàng trả tiền để đẩy dầu tồn kho. Với họ, việc này vẫn còn rẻ hơn so với phải ngừng sản xuất hay tìm chỗ chứa.
Đầu cơ bán tháo, giá dầu có thể tăng trở lại
Nhà phân tích Daniel Hynes tại công ty nghiên cứu thị trường ANZ cho rằng một nguyên nhân khác kéo thảm giá dầu nằm ở việc các hợp đồng tương lai trong tháng 5 đều đáo hạn vào ngày 21-4.
Thời điểm này, những bên đầu cơ tích trữ sẽ bán mạnh ra hết hợp đồng tháng 5 để mua vào hợp đồng tháng 6, khiến giá giảm mạnh. Tất nhiên, cũng có những bên mua có nhu cầu thực sự khiến họ giữ hợp đồng đến lúc đáo hạn.
Thông thường, chênh lệch giữa giá giao ngay và giá của hợp đồng tương lai kỳ hạn một tháng có thể chỉ ở mức khá thấp. Tuy nhiên, hiện tại, chênh lệch có thể dao động đến 60-70 USD/thùng - mức chưa từng có tiền lệ. Nhiều chuyên gia nhận định đây là hậu quả của tác động kép của việc các hợp đồng tháng 5 hết hạn giữa lúc giá dầu rơi tự do.
"Các đường cong diễn biến giá dầu Brent và WTI đang ở trạng thái contango (bù hoãn mua - giá tương lai cao hơn giá mua ngay) rất sâu nhưng contango cũng diễn ra rất không đồng đều" - chuyên gia Bjarne Schieldrop thuộc công ty tư vấn tài chính SEB nhận xét.
Một khi rơi vào trạng thái bù hoãn mua, các bên tham gia sẽ tranh thủ bán hết hợp đồng tháng 5 để mua lại hợp đồng tháng 6 hoặc các hợp đồng kỳ hạn xa hơn để kiếm lời từ khả năng giá dầu sẽ tăng trong tương lai.
Quan điểm này cũng được nhiều chuyên gia đồng tình khi cho rằng nửa cuối năm 2020 nhu cầu sẽ tăng trở lại, giải quyết được nạn dầu đang ùn ứ hiện nay.
"Đây là lý do giá dầu thô Brent năm 2021 đang giữ giá rất tốt, mức 40 USD/thùng" - ông Schieldrop nói thêm.
Trong ngắn hạn, hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 cũng được dự báo lên lại mức 22 USD/thùng, còn dầu Brent còn 26,5 USD/thùng.
Ảnh hưởng và hướng giải quyết
Dù vậy, người đứng đầu công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy - ông Artem Abramov nhận định nếu viễn cảnh giá dầu chỉ ở mức 20 USD hay thậm chí 10 USD thì sẽ là cơn ác mộng đối với thị trường dầu thế giới.
Theo đó, không ít đại gia dầu mỏ đều vay nợ lớn trong giai đoạn trước và một số sẽ không thể sống sót trong đợt suy thoái lịch sử này. Theo dự đoán của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản vào cuối năm 2021. Còn với mức giá 10 USD/thùng, ước tính sẽ có hơn 1.100 vụ phá sản.
Chứng khoán ngành năng lượng Mỹ sụt giảm mạnh vì giá dầu giảm không phanh. Ảnh minh họa: REUTERS
Đến nay, ngành năng lượng thuộc rổ chỉ số S&P 500 của Mỹ đã mất hơn 40% giá trị mặc cho thị trường chứng khoán đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng qua. Một số công ty như Noble Energy (NBL), Halliburton (HAL), Marathon Oil (MRO) và Occidental (OXY) đều đã mất hơn 2/3 giá trị.
Trước thực trạng trên, nhiều nước đang gấp rút đưa ra các biện pháp vực dậy bức tranh ảm đạm của thị trường dầu thế giới, theo tờ The Wall Street Journal.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong họp cuộc báo ngày 20-4 cho biết sẽ cân nhắc quyết định ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Saudi Arabia. Ông cho rằng tình trạng sụt giảm giá dầu xuống mức kỷ lục trong ngày chỉ diễn ra trong ngắn hạn và xuất phát từ việc "tài chính đang bị áp lực ở hiện tại".
"Về cơ bản là không còn ai lái xe trên thế giới. Nhà máy đóng cửa, doanh nghiệp cũng đóng cửa trong khi chúng tôi còn rất nhiều dầu" - ông Trump cho biết.
Tổng thống Donald Trump trong họp báo ngày 20-4 ở Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS
Có nguồn tin cho rằng hiện Nhà Trắng đang xem xét thanh toán các khoản vay của các công ty khai thác dầu mỏ khi gói cứu trợ trước đó dành cho ngành công nghiệp năng lượng này không đủ để duy trì.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng đang nhanh chóng tiến hành các thủ tục cho phép các công ty xăng dầu của nước này thuê kho dự trữ quốc gia để cất trữ 77 triệu thùng dầu để giảm chi phí lưu trữ tăng cao.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ ngành nặng lượng. Theo đó, Ottawa sẽ giải ngân khoảng 1,2 tỉ USD để giúp làm sạch các giếng dầu hoặc khí đốt không hoạt động hoặc bị bỏ hoang ở ba tỉnh có dầu phía Tây của đất nước (tỉnh Alberta, Saskatchewan và British Colombia).
Trong khi đó một số quốc gia khác như Indonesia cũng ban hành lệnh ngừng nhập khẩu xăng để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn Trung Quốc đã ban hành những chính sách hỗ trợ các nhà máy lọc dầu gia tăng công suất hoạt động, tiêu thụ trong nước, bổ sung xăng dầu dự trữ quốc gia, tận dụng thời điểm giá dầu giảm sốc…
Về phía Saudi Arabia và Nga, hai thành viên chủ chốt của nhóm OPEC+ hôm 12-4 đã đạt được thỏa thuận cắt giảm nhiều chưa từng có trong lịch sử: 9,7 triệu thùng dầu/ngày cho kỳ giao dịch vào tháng 5 và tháng 6.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia (trái) tại Hội nghị G20 hồi tháng 6-2019. Ảnh: CNN
Đây có thể xem là một sự nhượng bộ đáng kể của phía Riyadh và cũng là một sự lùi bước của Tổng thống Nga Vladimir Putin và hạ nhiệt cuộc chiến dầu khí do Saudi Arabia khơi mào hồi tháng 3.
Cụ thể, nước này thông báo tăng tối đa sản lượng và giảm mạnh giá dầu, khiến giá giảm xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng vào cuối tháng.
Động thái trên hứa hẹn giúp giảm áp lực và kéo giá dầu về mức khả quan hơn trong tương lai gần.
Dù vậy, điều quan trọng nhất đối với thị trường dầu mỏ là chờ xem thỏa thuận này sẽ được cụ thể hóa như thế nào, nhất là lộ trình thực hiện và chế tài nếu có nước vi phạm.
Các thỏa thuận trước đây của OPEC+ đã cho thấy việc đạt được thỏa thuận đã khó, việc thực hiện lại càng khó khăn hơn khi nước nào cũng muốn bán ra nhiều dầu, đồng nghĩa với việc có thêm ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.