Anh không thấy mình sai ư, điều tra viên?!

Hôm qua, 29-11, chị công nhân Tiết Lệ Trân (29 tuổi) chính thức nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can từ Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM với lý do “đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện được hành vi phạm tội”. Chị Trân được mời đến trụ sở công an huyện để nhận quyết định.

Vậy là sau sáu năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông, chị Trân chính thức được minh oan bằng một quyết định trên tờ giấy. Chị sung sướng nở nụ cười rạng rỡ khi đứng chụp ảnh chung với luật sư, người giúp chị trên hành trình đi tìm công lý.

Chị sao có thể quên được cái tai nạn kinh hoàng vào một sáng tháng 4-2012 ập xuống chị và cô bạn thân Phạm Thị Mỹ Vân. Hôm ấy, Trân đang chở Vân ngồi trên xe máy đi trên đường khu vực cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh) thì bất ngờ một chiếc xe tải đánh lái qua phía chị làm cho tay lái của chị máng vào bên hông xe tải. Hậu quả cả hai bị té xuống đường, Trân bị gãy tay với thương tích 13%, còn Vân bị cán qua đùi gây tổn hại sức khỏe lên đến 85%.

Trân bị khởi tố, truy tố ra TAND huyện Bình Chánh về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (khung hình phạt đến năm năm tù) dù chị liên tục kêu oan.

Chị Tiết Lệ Trân cho biết sẽ nhờ luật sư (phải) giúp chị làm thủ tục yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan. Ảnh: KT

Những năm tháng qua, chị luôn sống trong sợ hãi. Dù biết con mình không có tội nhưng thương con, cha Trân nuốt nước mắt vào trong, quỳ xuống xin gia đình nhà Vân làm đơn bãi nại. Do bị bệnh nặng, ông không qua khỏi. Trước khi nhắm mắt, ông vẫn đau đáu về số phận đứa con gái.

Nay thì vụ án đã sáng tỏ, cô chính thức được minh oan. Theo quy định thì VKSND huyện Bình Chánh sẽ là cơ quan đứng ra nhận trách nhiệm xin lỗi và bồi thường oan do đã truy tố oan chị. Luật là vậy nhưng chị vẫn muốn điều tra viên (ĐTV) TVĐ, người trực tiếp điều tra vụ án, nói một lời xin lỗi. Vì theo chị, dù không bị đánh đập nhưng chị bị ám ảnh lúc làm việc với ĐTV: Nào là bị khuyên nhận tội, rồi bị cầm một cái bảng số trước ngực để cho công an chụp ảnh đưa vào hồ sơ

Do đó, hôm qua (29-11), khi nhận quyết định đình chỉ, chị lấy hết can đảm hỏi ĐTV TVĐ rằng: “Lúc đầu anh nói là lỗi do em gây ra rồi khuyên em nhận tội nhưng cuối cùng thì đã phải đình chỉ. Anh có cần phải nói một lời nào đó với em không?”.

ĐTV Đ. thản nhiên đáp: “Cái đó sẽ có một cơ quan nói với chị, nếu cảm thấy bị oan thì chị yêu cầu bồi thường, sẽ có cơ quan đứng ra nhận lỗi với chị”. Nghe vậy, chị Trân rụt rè hỏi tiếp: “Anh vẫn không thấy mình sai?”. “Cái đó không phải trách nhiệm của tôi. Sẽ có người đứng đầu một cơ quan ra xin lỗi chị. Tôi là thực hiện theo quy định pháp luật ha” - ĐTV Đ. chốt lại.

Chia sẻ với PV, Trân nói chỉ mong ĐTV nói một tiếng xin lỗi là đủ chứ chị không muốn làm lớn chuyện. “Sáu năm rồi, tôi chờ có ngày hôm nay thôi. ĐTV nói vậy, tôi rất buồn. Nếu ban đầu họ chịu nghe tôi nói thì đâu có chuyện khởi tố oan tôi. Đã làm sai mà không nhận lỗi lầm, thật là quá lạ!”.

Đúng là sẽ có đại diện một cơ quan đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi người bị oan nhưng chẳng lẽ người ĐTV kia không cảm thấy bứt rứt gì sao? Nếu ngay từ đầu anh “gác cổng” tốt thì liệu các cơ quan tố tụng có phải cúi đầu đi nhận lỗi với người bị oan không? Chỉ một lời xin lỗi để nguôi ngoai người bị oan mà khó mở miệng đến vậy sao?!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm